'Một giao dịch bé mà doanh nghiệp phải xin đến 5 bộ'

Nhận xét trên được ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần VNG nêu ra tại Diễn đàn mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp VN 2017.

Diễn đàn có chủ đề “Tìm bước đột phá” do Báo Đầu tư phối hợp Công ty AMV VN dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP.HCM chiều 10.8.

Ông Minh nói thêm, chẳng hạn nhiều khi doanh nghiệp (DN) muốn làm một cái gì đó mới, nhưng tìm trong luật lại không có quy định hay chính sách cụ thể về vấn đề này, nên không biết “đâu mà lần”. Thiếu các quy định cho những vấn đề hay lĩnh vực đầu tư phát sinh tại VN cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Một số nhà đầu tư ngoại lại nhắc đến khả năng cần thiết nới room mới có sự đột phá hay làn sóng M&A mới trong tương lai.

Luật sư Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng VN cần cải thiện hơn nữa trong thủ tục hành chính, thời gian đăng ký đầu tư vẫn còn qua nhiều khâu phê duyệt rất lâu mà lẽ ra có thể rút ngắn hơn. Thậm chí, có những cải cách thay đổi một thời gian lại “đột ngột” quay lại quy định cũ gây bất ngờ cho nhà đầu tư. “Ngoài ra, một số quy định liên quan đến năng lượng, môi trường cần cập nhật thay đổi, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều mô hình đầu tư sẽ phát sinh trong tương lai hơn nữa”, ông Seck Yee Chung nhận xét.

Chính phủ rất quan tâm đến M&A

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A. Đặc biệt kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hai chuyến thăm chính thức Mỹ và Nhật Bản vừa qua, Bộ trưởng nói: “Thủ tướng đã nhấn mạnh với cộng đồng DN VN tại đó là VN đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa DN nhà nước lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư nước ngoài và Diễn đàn M&A sẽ là cấu nối cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hình thành nên các thương vụ M&A mới”.

Liên quan đến nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế VN, Bộ trưởng chia sẻ với các nhà đầu tư, với yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng, ngoài vốn đầu tư nhà nước, đầu tư theo mô hình công tư (PPP) khá phổ biến hiện nay. Và đây là lĩnh vực các nhà đầu tư ngoại có cơ hội tham gia và cũng là mong muốn của Chính phủ VN. Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đang có nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Đó là luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mới được ban hành và dự thảo luật Quy hoạch, luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.

Dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mục đích tạo khuôn khổ pháp lý nhằm hình thành 3 đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). “Ba khu kinh tế đặc biệt này có thể coi như đặc khu mà các nước đã trước chúng ta 75 năm, nó không đơn thuần như làm du lịch có kinh doanh dịch vụ casino mà là nơi phát tiển mạnh mẽ các ngành nghề. Ngoài ngành nghề chiến lược theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, phải phát triển được những thế mạnh của mỗi khu. Chẳng hạn, Vân Phong có cảng nước sâu sẽ là nơi tập trung phát triển logistics, trung chuyển hàng hóa trung tâm của cả nước và khu vực; Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, dược…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nguyên Nga

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-giao-dich-be-ma-doanh-nghiep-phai-xin-den-5-bo-864576.html