Một di tích văn hóa bị lãng quên

Nằm gần bên bờ sông Long Đại và chợ Cổ Hiền nổi tiếng xưa, hỏi thăm đường về Hội trường đoàn 559, có lẽ không ai không biết. Trưa vắng, bước vào khuôn viên của di tích chỉ nghe tiếng gió thổi lao xao trên những ngọn cây. Anh cán bộ văn hóa xã lặng lẽ mở cửa các căn phòng, như thể sợ làm phá tan cái không gian tĩnh lặng ấy.

Trong khuôn viên di tích bò được buộc chằng vào các gốc cây và nhởn nhơ gặm cỏ

Trong những năm 1971-1973, xã Hiền Ninh là nơi đóng quân của Đoàn 559. Sở dĩ Đoàn 559 chọn Hiền Ninh làm nơi đặt đại bản doanh bởi nơi đây có ngã ba sông với các bến đò: Long Đại, Cổ Hiền, Trung Quán..., là nơi tập kết vũ khí, lương thực, thực phẩm để vận chuyển vào chiến trường miền Nam.

Theo nhiều người dân, hiện nay hội trường lớn vẫn nguyên dáng dấp cũ, chỉ có thay bằng mái ngói. Phía trước hội trường có gắn tấm bia mang dòng chữ: "Hội trường 559 do lực lượng Đoàn 559 và nhân dân địa phương xây dựng năm 1972”. Ban đầu, hội trường lợp bằng lá cọ, sau ngày miền Nam giải phóng nhân dân xã Hiền Ninh bảo vệ, tu sửa lợp lại bằng mái ngói. Trong thời kỳ sở chỉ huy Bộ Tư lệnh đóng tại xã nhà, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước và quân đội ta đến thăm và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đoàn 559. Bộ Tư lệnh đã tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, hội nghị các đại biểu các binh chủng thuộc Đoàn 559, tổ chức trưng bày truyền thống, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động văn hóa khác phục vụ bộ đội và nhân dân. Qua lời kể của nhiều người dân từng kinh qua những ngày lịch sử ở Hiền Ninh, đi giữa khuôn viên di tích mà chúng tôi dường như vẫn nghe từ đâu vọng tới tiếng hát của một thời bom đạn đã làm sống dậy khí thế đấu tranh trong quân và dân, vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nơi đây từng diễn ra các buổi sinh hoạt chính trị,

hội nghị đại biểu các binh chủng thuộc Đoàn 559, biểu diễn văn nghệ,...

Không chỉ là kỷ niệm về tình quân dân trong thời gian Đoàn 559 đóng tại đây. Không chỉ là xúc cảm về những năm tháng tuổi trẻ của cả một thế hệ. Hơn hết, di tích lịch sử văn hóa này ghi lại những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường và sự thông minh, nhanh nhạy của quân và dân ở Hiền Ninh, thông qua những kỷ vật được sưu tầm lại. Điều thú vị là tất cả những kỷ vật ấy do người dân tự sưu tầm và xã tổ chức trưng bày, với những dòng chú thích như ở các bảo tàng thực thụ. Nó cho thấy tư duy biết trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây.

Mỗi kỷ vật là một chiến công, kỳ tích,

là bằng chứng về tình quân dân bền chặt

Thế nhưng trong những năm gần đây, đến với địa chỉ văn hóa này, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Những mảng tường của hội trường 559 đã hằn vết rạn nứt và rêu bám phủ dày. Các kỷ vật chiến tranh được trưng bày trong những chiếc tủ kính cũ kĩ mà không có một biện pháp bảo quản chuyên nghiệp nào. Thậm chí, có những kỷ vật cùng các bức ảnh tư liệu quý không còn chỗ để trưng bày, nằm ngổn ngang trên chiếc bàn cũng "xập xệ” không kém. Ngay cả tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, nay cũng đã hoen ố cùng thời gian. Trong khuôn viên di tích, bò được buộc chằng vào các gốc cây, nhởn nhơ gặm cỏ và phóng uế bừa bãi.

Kỷ vật chiến tranh cùng các bức ảnh tư liệu quý

nằm ngổn ngang trên chiếc bàn cũng "xập xệ” không kém

Khi chúng tôi viết bài báo này, một tin vui đã đến với chính quyền và nhân dân xã Hiền Ninh. Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình cho biết: Sở vừa bố trí 250 triệu đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia về di tích năm 2012 để trùng tu, tôn tạo cụm di tích khu vực Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559. Sở dĩ một thời gian dài di tích văn hóa này bị lãng quên là do kinh phí quá hạn hẹp. Dẫu vậy, kinh phí cũng chưa phải là tất cả. Điều quan trọng là trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm cần sớm được tiến hành nhằm trả lại những giá trị vốn có của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này. Ban Quản lý di tích và chính quyền xã Hiền Ninh nên có phương án phù hợp, hiệu quả nhất trong quá trình trùng tu, tôn tạo.

Châu Minh

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=53727&menu=1420&style=1