Một đề xuất tạo sự đồng thuận cao

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong dự thảo này, một trong những điểm mới được dư luận đồng thuận là đề xuất cơ chế rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống còn 3 tháng 1 lần.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân. Thế nhưng, mức điều chỉnh giá điện hiện nay thấp hơn so với đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này đã dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh. Như vậy, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng là cần thiết. Vì việc làm này sẽ giảm thiểu tác động của giá điện đối với kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Đồng thời, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện sẽ đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều, từ đó có thể tránh được sự ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Cùng với đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện căn cứ theo biến động thực tế của thông số đầu vào sẽ dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động từ các chi phí đầu vào của thị trường. Tuy nhiên, để giảm thiểu ảnh hưởng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề dư luận quan tâm là việc điều chỉnh giá điện được căn cứ vào những biến động của các thông số đầu vào ở thời điểm tính toán, từ đó xác định giá bán điện bình quân trong kỳ.

Một vấn đề nữa là hơn 15 năm qua, Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn vẫn đang tồn tại nhiều điểm vướng mắc, đó là chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện. Chính vì vậy, trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cần quy định cụ thể về phương án giá điện cũng như trách nhiệm, vai trò giám sát của các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan trong quy trình xây dựng và điều chỉnh giá điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm trong việc dự báo thị trường và những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng trong khu vực cũng như trên thế giới đến thị trường sản xuất và kinh doanh điện ở Việt Nam.

Một khi giá nhiên liệu đầu vào tăng thì giá điện phải tăng theo là đương nhiên. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua là biểu giá điện phục vụ sinh hoạt và giá điện sản xuất còn chênh nhau. Cùng với đó là giá điện của hộ dùng nhiều và hộ dùng ít chưa phù hợp. Và để khắc phục tình trạng nêu trên, vấn đề đặt ra là trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cần tách bạch các chính sách và đưa ra cơ chế giá điện phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó, cần chú trọng vấn đề khi tăng giá điện nhưng không tác động nhiều những đối tượng thuộc diện hộ nghèo và người yếu thế. Muốn vậy, trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cần quy định rõ về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Cụ thể, Chính phủ quy định rõ thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng vùng miền và các nhóm khách hàng. Trong đó, giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng chính sách và người yếu thế cần được tách riêng và hạch toán vào phần an sinh xã hội. Bởi một khi chính sách an sinh được gộp lại và tính chung vào giá điện bán lẻ thì sẽ không còn là cơ chế thị trường và chính việc này sẽ cản trở sự phát triển của ngành điện. Và đây là giải pháp nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/156520/mot-de-xuat-tao-su-dong-thuan-cao