Một cầu nối tâm hồn Việt - Nhật

Bên cạnh việc thu hút ngày càng đông người làm thơ và thưởng thức thơ, gắn kết những tâm hồn Việt đồng điệu với thể thơ truyền thống độc đáo của Nhật, việc tổ chức sinh hoạt, thi thơ haiku còn góp phần gắn kết, giao lưu văn hóa giữa hai nước Á Đông có mối quan hệ lâu đời.

Tuyển tập Thơ Haiku Việt - Nhật 2019 in những bài thơ đoạt giải và vào chung khảo Cuộc thi Thơ haiku Việt - Nhật lần thứ 7

Việt Nam quê hương đại thi hào Nguyễn Du là một trong những đất nước của thi ca, với thể thơ lục bát truyền thống mà tuyệt đỉnh là Truyện Kiều. Bên cạnh thơ song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn và sau này là thơ tự do, 1-2-3… trên bước đường giao lưu văn hóa, nước ta cũng du nhập, Việt hóa các thể thơ khác, điển hình như haiku của Nhật Bản. Nhờ đó, cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật đã ra đời theo sáng kiến phối hợp của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, cứ đều đặn 2 năm 1 lần, đến nay Cuộc thi thơ Haiku Việt - Nhật đã diễn ra lần thứ 7 và vừa trao giải cho các tác giả đến từ mọi miền đất nước vào cuối năm 2019 tại TP.Hồ Chí Minh. Một tuyển Thơ Haiku Việt - Nhật cũng được xuất bản vào dịp này. Cuộc thi không những thu hút ngày càng đông người làm thơ và thưởng thức thơ haiku, gắn kết những tâm hồn Việt đồng điệu với thể thơ truyền thống độc đáo của Nhật mà còn góp phần gắn kết, giao lưu văn hóa giữa hai nước Á Đông.

Tại lễ trao giải lần thứ 7, ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi mong sự phổ biến của văn hóa haiku độc đáo trong tiếng Việt cũng như haiku tiếng Nhật sẽ được thúc đẩy hơn nữa và sự giao lưu từ trái tim đến trái tim của người dân hai nước thông qua thơ haiku sẽ tiến xa thêm”. Và ông hy vọng văn hóa haiku sẽ được thế hệ trẻ Việt Nam yêu thích hơn nữa, nhất là những học sinh trung học - những người chủ tương lai của văn hóa dân tộc và nhân loại.

Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, chỉ với 3 dòng, 17 âm tiết (5-7-5) đã rất phát triển trong thời cận đại của Nhật Bản và dần được nhiều nước trên thế giới du nhập. Sự đơn giản ấy đã giúp cho những người mới tập làm thơ cũng có thể sáng tác, gần tương tự như thể loại lục bát của Việt Nam. Khi du nhập vào nước ta, thơ haiku được viết bằng tiếng Việt, mang tâm hồn và phong cách Việt, dần thoát khỏi những quy tắc quá ràng buộc viết về thiên nhiên bốn mùa như vốn có của haiku Nhật. Nghĩa là vẫn tôn trọng nguyên tắc tối đa 17 âm tiết và 3 dòng nhưng haiku Việt phản ánh cuộc sống, thiên nhiên, tâm hồn, thế giới quan riêng của người Việt.

Chẳng hạn, Cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật lần 7 với giải nhất thuộc về tác giả trẻ Lâm Long Hồ đến từ An Giang khi vượt qua 663 bài haiku dự thi, có nội dung cảm hứng từ Ngày lễ Tình nhân:

“Cà phê ngày Tình nhân

Hai màn hình điện thoại

Chiếu sáng hai mặt người”.

Bình về bài thơ này, PGS-TS.Đoàn Lê Giang, Trưởng ban giám khảo đã cảm nhận: “Bài thơ haiku của Lâm Long Hồ vẽ nên một khung cảnh tưởng chẳng có gì để nói: một đôi bạn trẻ yêu nhau ngồi với nhau trong ngày Valentine. Ngày xưa Thánh Valentine đã phải chịu hình phạt thảm khốc của vị hoàng đế độc tài để bảo vệ tình yêu của bao đôi lứa. Vì thế mà người ta mới lấy ngày 14-2, ngày ông bị tử hình, để tôn vinh ông, cũng là tôn vinh tình yêu bất diệt của con người. Thế nhưng 2 ngàn năm sau cái chết ấy, trong thời đại công nghệ, người ta vẫn đi với nhau vào ngày Thánh Valentine, nhưng dường như người ta không biết, không thiết giao tiếp với nhau nữa: mỗi người một điện thoại, sống ảo, sống trong thế giới của riêng mình. Hai người, hai điện thoại và hai gương mặt trong hai quầng sáng xanh mới cô đơn làm sao! Nghệ thuật hiện đại “rung chuông” cảnh tỉnh về môi trường sống hiện nay, về tính nhân văn đang đứng trước nguy cơ do chính con người tạo ra. Thơ haiku cũng góp tiếng nói vào câu chuyện ấy”.

Hoặc bài thơ haiku đoạt giải nhì của tác giả Phạm Quốc Duẩn ở Hà Nội cảnh báo về sự phá hoại môi trường thiên nhiên qua hình ảnh con chim bị bắt nhốt trong lồng nhưng vẫn vọng lên tiếng hót như tiếng kêu ai oán buồn đau vô định:

“Lặng lẽ trong lồng

Tiếng chim đơn độc

Vọng vào thinh không”.

Và một bài thơ haiku đoạt giải nhì khác của nhà thơ Lê Thị Thanh Tâm, nguyên giảng viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh hiện đang công tác ở Nhật Bản:

“Mong manh khô giòn

Lá thu dưới đất

Mòn chân ai”.

Bài thơ haiku vẽ nên bức tranh tĩnh vật về một kiếp sống vừa gần gũi vừa thâm sâu về cây lá và đời người. Một bức tranh đẹp và buồn, lay động tâm thức mỗi chúng ta.

Nguyễn Phan Huỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/mot-cau-noi-tam-hon-viet-nhat-2980192/