Mong ngày về bên gia đình thân yêu...

Gần 20 năm gắn bó với nghề báo, trong quá trình tác nghiệp, tôi không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu nhân vật, tiếp xúc với bao nhiêu mảnh đời. Nhưng chưa khi nào lòng tôi trĩu nặng, nhiều tâm tư như khi tiếp xúc với những học viên nữ tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì).

Đang độ tuổi ăn tuổi lớn, những nữ học viên lẽ ra mang trên mình những bộ đồng phục học sinh, sinh viên, thì ở đây, các em khoác bộ trang phục học viên điều trị cai nghiện ma túy lạ lẫm. Từng ngày, từng giờ, từng giây phút, các em đang nỗ lực chiến đấu để vượt qua những cám dỗ nhất thời, sửa chữa sai lầm đã qua, mong sớm có ngày trở về an yên bên gia đình thân yêu...

Các học viên nữ lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (huyện Ba Vì).

1. Chiều 3-8-2023, tôi có lịch làm việc với Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Tiết trời cuối hè, đầu thu khá oi bức, nắng như nhuộm vàng mọi thứ... Ở độ tuổi ngoài 40, mỗi khi cần đi xa, tôi thường di chuyển bằng xe ô tô cho đỡ vất vả, nhưng vào ngày có hẹn làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, phương tiện thân thuộc của tôi được sử dụng cho mục đích khác. Lúc này, tôi có thể đề nghị với lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội chuyển thời gian làm việc vào dịp khác, nhưng tôi đã lựa chọn… lên đường.

Vậy là, sau nhiều năm, tôi đi xe máy với quãng đường gần 100km (cả đi và về) để gặp gỡ nhân vật. Đến đoạn đường rẽ vào nơi có hẹn làm việc lúc hơn 14h, nắng vàng ruộm khắp không gian. Núi Ba Vì sừng sững giữa bầu trời trong vắt. Dừng xe lại dưới bóng cây, phóng tầm mắt ra xa để thỏa niềm mê mải ngắm thiên nhiên, tôi bỗng giật mình bởi câu nói của người cùng đi đường: “Em chào chị! Chị đi thăm thân phải không ạ. Em cũng đi thăm thân, mới lần đầu nên hơi run. Em đi cùng với chị nhé”.

Nhìn người phụ nữ có dáng vẻ khắc khổ đi trên chiếc xe máy cũ, tôi chia sẻ với mong muốn được gặp người thân của họ bằng cái gật đầu cảm thông. Đến cổng có người bảo vệ, tôi để người phụ nữ trình bày lý do đến đây trước. Qua những câu trao đổi của họ với bảo vệ tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, tôi hiểu được rằng, thân nhân của người phụ nữ này mới vào điều trị cai nghiện được ít ngày, đang trong giai đoạn điều trị cắt cơn.

Đến lượt mình, tôi được cán bộ bảo vệ hướng dẫn đi vào khu vực dành cho học viên nữ. Đó là những dãy nhà khang trang, an toàn và thân thiện. Tiếng trò chuyện, nói cười ríu ran...

2. Khác xa với hình dung của tôi về những nhân vật từng lầm lỡ là họ sẽ có vẻ ngoài dữ dằn, bất cần hoặc lì lợm... Những học viên tôi gặp, họ đều niềm nở, khỏe mạnh, giao tiếp nhẹ nhàng.

Ấn tượng đặc biệt với tôi là học viên H.T.Y.V (sinh năm 2004), đến từ quận Thanh Xuân. Cô bé có dáng người thanh mảnh, nước da trắng ngần, ánh mắt long lanh và nụ cười tươi rói. Từ hình dáng đến khuôn mặt V. đều toát lên sự tự tin, nhanh nhẹn. Tiếc rằng, một thiếu nữ xinh đẹp đã đi vào con đường không đúng từ lúc còn khá nhỏ, làm gián đoạn việc học tập, tự đóng bớt những cánh cửa bước vào tương lai.

Theo lời kể, V. sinh ra ở mảnh đất du lịch Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trong gia đình có 2 chị em gái. Bố V. không may mất sớm, còn mẹ là một công chức, ngày ngày đi làm, tần tảo thay chồng chăm sóc, nuôi nấng hai con gái. Đến năm 2018, mẹ của V. muốn đưa các con về Hà Nội để thuận tiện cho công việc, gần người thân. Với suy nghĩ non nớt là bản thân không muốn chuyển nơi ở, chuyển lớp, chuyển trường, xa bạn mà mẹ cứ bắt làm theo, V. thấy buồn chán. Trong một lần đi sinh nhật, V. cùng những người bạn rủ nhau thử sử dụng bóng cười. Sử dụng lâu dần thành quen và dần lệ thuộc vào các chất gây nghiện. “Khi chuyển lên Hà Nội, cháu tự tìm đến những người bạn sử dụng ma túy thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội. Lúc này, cháu sử dụng cần sa”, V. nhớ lại.

Vốn có ngoại hình “sáng”, năng động, nhiều tài lẻ, ngay từ khi mới 15 tuổi, ngoài giờ đi học, H.T.Y.V đã tự kinh doanh online, làm người mẫu ảnh và nhiều công việc khác. Do vẫn đi học đầy đủ, lại tự kiếm được tiền để “nuôi” những cơn “thèm thuốc”, nên gia đình, nhà trường không phát hiện V. sử dụng ma túy. Cho đến khi vô tình làm rơi “gói thuốc” ra nhà, mẹ của V. mới biết cô con gái út xinh đẹp của mình sa chân vào con đường lầm lỡ.

Để cứu con, khi V. học lớp 11, chính mẹ của em đã gạt nước mắt, nén lại nỗi đau, xin tạm dừng học và đưa con gái đi điều trị cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội trong thời gian 6 tháng. Ngỡ tưởng lúc trở về, V. sẽ trở lại làm con ngoan của mẹ. Thế nhưng, chỉ đúng 1 tuần sau, V. tái sử dụng ma túy.

Phát hiện con gái tái nghiện, mẹ V. tiếp tục đưa con đi điều trị cai nghiện lần 2 dành cho đối tượng từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Hiện nay, H.T.Y.V gần 19 tuổi, sắp hoàn thành thời gian điều trị để trở về bên gia đình, cộng đồng.

Ngồi cạnh V. là học viên V.T.T.T (sinh năm 2005) đến từ quận Bắc Từ Liêm. Khác với vẻ sắc sảo của bạn, T. có đôi má lúm đồng tiền duyên dáng, làn da bánh mật ưa nhìn. Không còn tươi cười như lúc mới gặp, V.T.T.T kể với tôi về những lỗi lầm trong niềm ân hận. “Năm học lớp 8, cháu bị khủng hoảng tâm lý tuổi học đường. Về tâm sự với gia đình để tìm sự đồng hành, chia sẻ, nhưng cháu không được người thân trợ giúp. Tâm lý khủng hoảng nhân đôi, cháu bỏ học, bỏ nhà đi. Trong thời gian sống xa gia đình, cháu gặp những người bạn không tốt và bị lôi kéo sử dụng ma túy từ khi chưa đầy 14 tuổi. Nếu có một điều ước, cháu luôn ước rằng, giá như bố mẹ tin tưởng, chia sẻ với cháu, có lẽ giờ này cháu vẫn đi học, sắp là tân sinh viên. Và hơn hết là giá như cháu không nông nổi…”, T. nghẹn ngào.

Khi gia đình tìm thấy, đưa T. trở về, người thân đã hai lần đưa cháu đi điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội dành cho đối tượng từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Sau thời gian điều trị tại đây, sức khỏe thể chất và tinh thần của T. đều chuyển biến theo hướng tích cực.

Nữ học viên nhỏ tuổi khác mà tôi gặp là N.T.N, sinh năm 2006, đến từ quận Hà Đông. Dù mới 17 tuổi, N. đã đi điều trị cai nghiện lần thứ 3. Cũng giống như nhiều người trẻ khác, nguyên nhân khiến N. sử dụng ma túy là do “buồn chán” chuyện gia đình, bỏ học sớm, bị bạn bè xấu lôi kéo, chưa hiểu rõ tác hại về ma túy…

Ngoài những trường hợp nêu trên, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội hiện quản lý, điều trị cho 24 học viên ở độ tuổi từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (8 nữ, 16 nam). Phía sau mỗi học viên là câu chuyện dài về hoàn cảnh gia đình, về con đường lầm lỡ, bất cứ ai nghe thấy đều cảm thấy tiếc nuối, day dứt, xót xa.

3. Câu chuyện giữa phóng viên và những học viên nữ trẻ tuổi còn tiếp diễn, ngoài trời bỗng đổ mưa. Mưa lớn trên vùng núi Ba Vì vào thời điểm cuối giờ chiều mang đến không khí mát dịu. Cứ thế, nội dung cuộc trò chuyện ở một nơi đặc biệt giữa những người lần đầu gặp gỡ ngày càng thân tình, như đã quen biết từ lâu.

Tôi nói với học viên N.T.N: “Cô cũng ở quận Hà Đông, không xa nhà cháu. Hết thời gian điều trị cai nghiện, trở về với gia đình, cộng đồng, nếu cần đến điểm tựa tinh thần, cháu hãy gọi cho cô”.

Khi tôi viết số điện thoại cá nhân vào tờ giấy rồi đưa cho N.T.N, thoáng quan sát, tôi thấy cô bé vui vì có người tin mình. “Cháu sẽ cố gắng cô ạ. Thời gian điều trị ở cơ sở, cháu sẽ chăm chỉ lao động trị liệu bằng công việc làm tóc giả. Sau này, biết đâu cháu sẽ học nghề làm đẹp hoặc cháu sẽ đi học lại văn hóa. Tương lai của cháu còn dài, ở phía trước, cô nhỉ”, N.T.N vui vẻ khi nghĩ về tương lai.

Vẫn với dáng vẻ trầm tư, V.T.T.T rưng rưng: “Cháu thương bố mẹ lắm. Nếu thời gian quay trở lại, cháu sẽ không bao giờ sử dụng ma túy. Mong cô hãy nói với các bạn, các em ngoài kia, đừng bao giờ sử dụng ma túy, dù chỉ một lần. Hoàn thành thời gian điều trị, có lẽ cháu sẽ đi học một nghề nào đó”.

Trở lại con đường học tập cũng là dự kiến của học viên H.T.Y.V. “Cháu sẽ học tiếp phổ thông trung học, sẽ đi làm người mẫu, sẽ sống tốt, sẽ từ bỏ hoàn toàn ma túy”, V. hứa hẹn…

Nghe các cháu nói về những kế hoạch tốt đẹp cho tương lai của bản thân, trong tôi lóe lên niềm hy vọng. Hy vọng, những cái giá quá đắt mà các cháu phải trả từ khi còn ít tuổi là bài học xương máu, đớn đau để các cháu rút kinh nghiệm, dùng sức trẻ, niềm tin của tuổi trẻ để vượt qua cám dỗ, viết lại những ước mơ. Hy vọng, các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng hỗ trợ, tạo điểm tựa an toàn, vững chắc để các cháu thoát khỏi hoàn toàn những bóng đen của quá khứ…

Hơn 17h, cơn mưa chưa dứt, mà ngoài trời đã sâm sẩm tối, tôi phải đi về để chăm lo cho các con của mình. Nhìn tôi lao ra màn mưa dày đặc, học viên H.T.Y.V kéo tôi lại và nói: “Cô đi làm vất vả quá. Mưa thế này mà cô đi về bằng xe máy, có sao không. Cô ở lại chờ tạnh mưa hãy về”.

Tôi mỉm cười trìu mến và nói với V.: “Người làm bố, mẹ không sợ khó khăn, không sợ vất vả, chỉ lo các con của mình thiếu thốn, chỉ sợ các con không ngoan. Để nuôi các em, vất vả hơn thế này nhiều cô vẫn làm được”.

Có lẽ, nhìn dáng vẻ tất tả của tôi, V. nhớ đến mẹ, thương mẹ nên cô bé bật khóc. V. nói trong tiếng nghẹn ngào: “Cô ơi, cháu sẽ cố gắng trở lại làm con gái ngoan của mẹ”. Nghe bạn nói vậy, những học viên nữ khác cũng nói câu đó với tôi. Nghe xong, tôi đi dưới mưa mà không cảm thấy lạnh. Suốt quãng đường về, hiển hiện trong tâm trí tôi là hình ảnh những người bố, người mẹ tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều, thỉnh thoảng họ lại nhìn ra cửa. Họ sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương đón những đứa con gái từng lầm lỡ trở về với gia đình thân yêu...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mong-ngay-ve-ben-gia-dinh-than-yeu-637589.html