Mong muốn hòa bình, ổn định cho những người bạn sâu nặng ân tình!

Ông Đào Mạnh Cơ, nguyên Trưởng ban Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Lào Cai:

Theo ông Đào Mạnh Cơ thì những gì mà Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) đã giúp đỡ Việt Nam trong quá khứ là hết sức to lớn, các thế hệ người Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc Lào Cai nói riêng sẽ mãi mãi không quên.

Ông Cơ phân tích rằng, tại Lào Cai, những công trình tiêu biểu về sự viện trợ to lớn và vô tư của Liên Xô phải kể đến việc xây dựng lại cầu Cốc Lếu, Nhà máy nhiệt điện Lào Cai, đặc biệt là Mỏ Apatit. Cả 3 công trình trên đã bị chiến tranh biên giới tàn phá, sau đó Mỏ Apatit đã được đất nước Liên Xô anh em tiếp tục giúp đỡ Việt Nam khôi phục lại, mang tầm hiện đại, quy mô hàng đầu khu vực lúc bấy giờ.

Công nghệ tuyển khoáng hiện nay của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam vẫn dựa chủ yếu trên sự chuyển giao từ thời Liên Xô. Trong ảnh: Dây chuyển tuyển quặng nổi của Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn.

Cùng với những công trình được Liên Xô viện trợ như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Hòa Bình…thì Mỏ Apatit không chỉ là biểu tượng của “tình anh em” các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa, mà trên thực tế còn có vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân ngày ấy. Công trình này đã cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón, công nghiệp hóa chất.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Mỏ Apatit trước đây) vẫn sử dụng dây chuyền, công nghệ, xe máy, thiết bị của các nước cộng hòa của Liên Xô trước đây như Nga, Ukraine, Belarus và đang phát huy hiệu quả kinh tế tích cực.

Năm 1988, khi đang giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn, Bí thư Huyện ủy Bát Xát, ông Đào Mạnh Cơ được Đảng và Nhà nước cử đi học tập tại Liên Xô. Đợt học tập này cả nước có 11 người, tỉnh Hoàng Liên Sơn chỉ có mình ông Cơ.

Ngoài việc học tập chính ở Matxcơva, đoàn cán bộ Việt Nam còn được đi tham quan, học tập tại tại nhiều nơi khác trên đất nước Liên Xô rộng lớn.

Có khá nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh trong những năm này được cử đi học tại Liên Xô như ông Cơ, trong đó những người mà ông kể đến là cố Bí thư Tỉnh ủy Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Luân, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Giàng Thị Mỷ…

Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã chủ động kết nối hợp tác với các vùng và doanh nghiệp thuộc Nga, Belarus, Ukraine… Nội dung hợp tác chủ yếu là trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, cung ứng, trao đổi thiết bị, vật tư, xe máy phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến của địa phương.

Ông Đào Mạnh Cơ, nguyên Trưởng ban Ngoại vụ và Biên giới tỉnh Lào Cai cho rằng, nguyên nhân của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine nằm ở việc Liên bang Nga thấy mình ngày càng bị bao vây, cô lập bởi phương Tây thông qua cái gọi là “hướng Đông”.

Trên thực tế, sau khi Liên Xô tan vỡ, những thành viên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (Khối SNG) vẫn rất đoàn kết, tương trợ nhau, không có tư tưởng chia rẽ, thù nghịch. Tuy nhiên, trong 3 thập niên gần đây thì mọi sự đã thay đổi, khi những cam kết giữa các cường quốc bị lãng quên. Nga là cường quốc nhưng ngày càng thấy mình bất lợi, bị o ép, tất cả những điều đó đã châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra.

Theo ông Cơ, những lo lắng về nguy cơ cuộc chiến lan rộng cần được loại bỏ, vì nó hoàn toàn không phù hợp với xu hướng, tình hình thế giới hiện nay.

Quan điểm của ông Cơ về cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine là “không có đúng - sai tuyệt đối”, cần được xét trên hệ quy chiếu lợi ích quốc gia, thể chế chính trị, tình hình cụ thể của mỗi đất nước.

Cũng chính bởi vậy mà “không có bên thắng, kẻ thua tuyệt đối”, có điều chắc chắn rằng sẽ gây ra thiệt hại lớn cho cả hai bên và ảnh hưởng đến cả thế giới. Vì vậy, mong muốn của ông và nhân dân Lào Cai là cả Nga và Ukraine sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, cùng ngồi vào vòng đàm phán để kết thúc xung đột vũ trang. Chỉ có như thế mới tránh được những tổn thất về con người, thiệt hại về vật chất, đảm bảo nền hòa bình cho khu vực và thế giới.

Trong mấy thập niên vừa qua, thế giới chứng kiến nhiều cuộc xung đột vũ trang quy mô vừa và nhỏ, riêng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh và sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam nhất bởi những yếu tố lịch sử và tình cảm truyền thống.

Theo ông Cơ, cuộc khủng hoảng chính trị dẫn tới xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng chứng tỏ đường lối đối ngoại của Đảng ta trong những năm qua là sáng suốt. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Ông Cơ nhớ lại, khi Liên Xô tan vỡ, Việt Nam và các quốc gia trong khối Xã hội chủ nghĩa bị tác động nặng nề, nhưng Việt Nam đã chủ động thực hiện đường lối đối ngoại khi đó là mở cửa quan hệ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phương châm là “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả nước trên thế giới”, nguyên tắc hợp tác cũng rất rõ ràng: “đôi bên cùng có lợi”.

Qua mỗi giai đoạn tuy có sự phát triển, bổ sung cho phù hợp, nhưng quan điểm đối ngoại chủ động, linh hoạt, độc lập, hợp tác, hữu nghị, vì lợi ích quốc gia - dân tộc là nhất quán, xuyên suốt trong quá trình đất nước đổi mới hơn 35 năm qua.

Nhờ đó mà Việt Nam đạt những thành tựu như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ông Cơ lý giải rằng vì Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đã thấy rõ hậu quả tàn khốc mà chiến tranh để lại, nên dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và nỗ lực đóng góp cho nền hòa bình thế giới.

Đối với tỉnh Lào Cai, ông Đào Mạnh Cơ cho biết, ngay từ khi tái lập (năm 1991) Đảng bộ tỉnh đã rất coi trọng công tác ngoại giao trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng. Trong đó trọng tâm nhất là xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị ngày càng toàn diện với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cùng với đó là mở rộng hợp tác với các địa phương, vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế.

Nhiều khai trường khoáng sản của Lào Cai hiện nay đang sử dụng thịnh hành xe Belaz của Nước cộng hòa Belarus.

Nhiều khai trường khoáng sản của Lào Cai hiện nay đang sử dụng thịnh hành xe Belaz của Nước cộng hòa Belarus.

Từ khi nghỉ công tác (năm 2003) đến nay, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông Đào Mạnh Cơ đều được tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội. Điều khiến ông vui mừng là công tác ngoại giao của Lào Cai luôn bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, có sự vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tế địa phương, nhờ đó đã đạt những thành tựu rất đáng khích lệ. Riêng mối quan hệ Lào Cai - Vân Nam đã được Trung ương 2 nước đánh giá là điển hình mẫu mực trong mối quan hệ ở cấp địa phương giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã nêu rõ chủ trương đối ngoại của tỉnh trong những năm tới là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Xây dựng Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước”.

Đây chính là sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh trong điều kiện cụ thể để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Cao Cường thực hiện - Ngọc Luyến trình bày

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354025-mong-muon-hoa-binh-on-dinh-cho-nhung-nguoi-ban-sau-nang-an-tinh