Mong lương, giá sớm gặp nhau

Từ 1/1/2017, nhiều chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng đối với người lao động (NLĐ). Đây là tin vui đối với NLĐ, song họ vẫn mong muốn tới đây làm thế nào để lương, thu nhập của họ đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống.

4 chính sách tăng lương từ 1/1/2017

Từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng tăng áp dụng cho NLĐ làm việc theo hình thức hợp đồng lao động sẽ tăng thêm 7,3%. Cụ thể: Vùng 1: 3.750.000 đồng, vùng 2: 3.320.000 đồng, vùng 3: 2.900.000 đồng, vùng 4: 2.580.000 đồng. Riêng với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp (DN) đã qua đào tạo, học nghề thì mức lương thấp nhất cũng cao hơn 7% mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, Vùng 1: 4.012.500 đồng, vùng 2: 3.552.400 đồng, vùng 3: 3.103.000 đồng, vùng 4: 2.760.600 đồng.

NLĐ mong muốn lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Cũng từ 1/7/2017, mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng 7%, từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng. Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng 7%. Với LĐ làm việc trong cơ quan, nhà nước, đơn vị sự nghiệp, từ 1/1 đến 30/6/2017, mức lương của LĐ bậc đại học sẽ là 2.831.400 đồng/tháng; bậc cao đẳng 2.541.000 đồng/tháng; và bắt đầu từ 1/7/2017 trở đi, bậc đại học 3.042.000 đồng/tháng, bậc cao đẳng sẽ là 2.730.000 đồng/tháng.

Đón nhận tin này, chị Nguyễn Thị Hải (38 tuổi) hiện đang công tác tại đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: Lương của tôi vỏn vẹn được 4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không còn khoản gì khác. Chồng tôi cũng là công chức, lương được hơn 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập của hai vợ chồng lo cho hai con đi học, lo chi tiêu sinh hoạt của gia đình, phải rất tiết kiệm mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu. “Dù sao, tăng thêm được đồng nào bù vào chi tiêu sinh hoạt cũng quý”, chị Hải bày tỏ.

Hai vợ chồng đều là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Bình (quê ở Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Lần nào lương tăng, tôi thấy giá cả sinh hoạt cũng tăng theo. Hàng tháng trừ tiền thuê nhà, điện nước, gửi con đi học, nếu không về quê thăm bố mẹ hoặc đi hiếu - hỉ thì vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được chút ít, phòng lúc con cái ốm đau. Nhưng tháng nào có việc phải về nhà, hoặc không may con ốm thì hai vợ chồng lại lo “giật gấu, vá vai”. Nói chung là vẫn phải hết sức tiết kiệm mới đủ sống”.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh

Mấu chốt đặt ra làm thế nào để lương, thu nhập và giá cả là một thể thống nhất. Vì nếu lương, thu nhập của người lao động và giá cả không đồng nhất như hiện nay; lương của một lao động/tháng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu (vì giá cao) thì dù có tăng lương thêm 100- 200 nghìn đồng/tháng cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề

Chia sẻ với đồng lương còn hạn hẹp của cán bộ, công chức, ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ tiền lương tiền công Bộ LĐTBXH thừa nhận: Tiền lương của cán bộ, chức chức viên chức hiện nay thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Theo quy định của pháp luật hiện nay, tiền lương của công chức viên chức chủ yếu phụ thuộc vào khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Chính phủ đang giao các bộ, ngành để nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức nhà nước để trình Trung ương vào năm 2018.

Về mức lương tối thiểu vùng, ông Tống Văn Lai khẳng định: Theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định là mức lương thấp nhất để trả lương. Các mức lương cao hơn thì do NLĐ và chủ sử dụng LĐ thỏa thuận. Đồng thời Bộ luật Lao động cũng quy định mức lương tối thiểu được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, điều kiện kinh tế xã hội và mặt bằng tiền lương trên thị trường. Căn cứ vào quy định trên thì hàng năm Chính phủ đã tính toán các tác động đến đời sống của NLĐ, kinh tế xã hội, khả năng chi trả của DN, tình hình việc làm của NLĐ để xác định mức điều chỉnh hợp lý nhất. Mức lương tối thiểu hiện nay mặc dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, nhưng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của các DN còn khó khăn thì NLĐ cần có sự chia sẻ với khó khăn của DN.

“Thời gian tới, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá các tác động để khuyến nghị với Chính phủ mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cho phù hợp. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến cũng điều chỉnh theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ”, ông Lai khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mong-luong-gia-som-gap-nhau-47328.html