Món ngon ngày tết

Tết đến là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, cùng chúc nhau một năm mới bình an. Và dịp tết, một số món ăn cũng được chế biến không chỉ để cúng tổ tiên mà còn gắn kết những người thân trong gia đình.

Thịt heo kho hột vịt - món quen thuộc

Thịt heo kho hột vịt là món ăn không thể thiếu trong những ngày tết.

Thịt heo kho hột vịt là món ăn gần như không thể thiếu trong những ngày tết, nhất là với người dân Nam bộ.

Món dưa môn và dưa bồn bồn ăn kèm với thịt heo kho hột vịt.

Thịt heo kho hột vịt món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người nấu phải chọn mua thịt heo ngon, ướp gia vị để có hương vị đậm đà. Thịt ba rọi được cắt thành miếng vừa ăn, ướp gia vị cho thấm đều rồi đem kho. Thịt được kho trong thời gian vừa phải để tránh làm món ăn mặn và thịt bị khô. Trứng vịt được rửa sạch, bỏ vào kho chung, đến khi ăn mới lột vỏ nên sẽ không bị cứng. Thịt heo kho hột vịt được ăn kèm với các món dưa chua thì khỏi phải chê.

Bánh tét - hương vị không thể thiếu ngày tết

Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp tết đến, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ đều không thể thiếu món bánh tét.

Không cần có quá nhiều màu sắc, hình thức cầu kỳ, nguyên liệu bao gồm nếp, thịt nạc có lẫn mỡ heo, đậu xanh cà vỏ, ít chuối xiêm chín... đã đủ tạo nên món ăn đặc trưng ngày tết.

Bánh tét là loại bánh làm từ nếp nguyên hạt, có hình trụ dài, bên ngoài là lớp nếp trắng, phần nhân dàn đều bên trong. Bánh được nấu trong 8-10 tiếng, trong thời gian nấu cần phải canh lửa và châm nước để bánh chín đều.

Loại bánh này được ăn cùng với dưa chua, tôm khô hoặc thịt kho hột vịt... Điều đầu tiên cảm nhận khi thưởng thức là lớp nếp thơm, mềm dẻo vừa phải; tiếp đến là vị béo của thịt mỡ, vị bùi của đậu xanh đã được nêm gia vị khiến món ăn càng thêm đậm đà.

Tôm khô, dưa kiệu - món nhắm tuyệt vời

Khi bắt đầu ngán những món ăn đầy thịt mỡ thì tôm khô với dưa kiệu chính là sự lựa chọn hợp lý.

Hấp dẫn món dưa kiệu ăn kèm với tôm khô.

Để làm món này, kiệu phải được chọn kỹ, phải là kiệu có củ to mới ngon. Kiệu mua về được cắt phần gốc và lá rồi rửa sạch, phơi ráo. Sau đó đem kiệu xếp vào keo, rưới đường vừa đủ rồi phơi nắng, tầm hai tuần là củ kiệu ngấm đường và có vị chua, giòn.

Tôm khô để làm là loại tép bạc đất còn tươi; rửa sạch rồi luộc, có pha chút muối. Khi luộc phải để lửa thật lớn, đảo đều để tôm vừa chín tới là vớt ra ngay. Con tôm phơi được nắng là chỉ phơi tầm hai ngày, nếu kéo dài hơn tôm sẽ bị mất màu và không còn ngon. Lúc này tôm có vị hơi mặn và ngọt nhẹ, thịt không cứng, có thể ăn không nhưng ngon nhất là ăn cùng với dưa kiệu.

Tôm khô, dưa kiệu món ăn đậm chất truyền thống và mang tính biểu tượng tết của người dân Nam bộ. Tương tự dưa món của người miền Trung, hành muối của người miền Bắc, củ kiệu ngâm chua ngọt ăn kèm với tôm khô luôn hiện diện trên mâm cơm của người miền Nam ngày tết.

Món ăn đơn giản, chỉ cần gắp củ kiệu ra dĩa rồi bỏ tôm khô lên trên. Củ kiệu vốn là một món đồ chua nhưng khi ăn vào lại có vị ngòn ngọt, ăn kèm với tôm khô sẽ thêm vị ngọt bùi từ thịt tôm tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng, không trộn lẫn với món ăn nào khác.

Đổi vị với cá khô chấm mắm me

Cá khô thường được đánh giá là một trong những món ăn vô cùng dân dã và hấp dẫn. Từ nguyên liệu cá khô có thể chế biến nhiều món ăn ngon, lại nhanh gọn. Cá khô cũng là nguồn thực phẩm dự trữ lâu ngày vô cùng tiện lợi cho những ngày tết bận rộn mà vẫn có món ngon để thưởng thức.

Khô cá chỉ vàng, cá mối, cá cơm... có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng ngon và đơn giản nhất phải kể đến cá khô chiên chấm mắm me.

Dĩa cá khô chiên chống ngán cho những ngày tết.

Để chế biến các loại khô chấm mắm me ngon, nên chiên khô với lửa nhỏ và đảo đều tay để khô chín đều. Bên cạnh đó, mắm me cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên vị ngon hoàn hảo cho món ăn. Một chén mắm me ngon đúng điệu là sự kết hợp của vị me chua, thêm chút cay nồng của ớt, xíu nước mắm, chắc chắn sẽ khiến món cá khô của thêm phần hấp dẫn...

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/mon-ngon-ngay-tet-12495.html