Mòn mỏi chờ kết nối vào lưới điện trên khắp thế giới

Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo vẫn phải chờ để kết nối với các cơ sở hạ tầng được xây dựng cho một kỷ nguyên khác, làm gián đoạn quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tương lai của trang trại điện gió Couture ở vùng Poitou-Charentes, phía tây nam nước Pháp, đang là một dấu hỏi lớn.

Theo Financial Times, dù được quy hoạch trước, quá trình xây dựng trang trại điện gió với công suất 33,3 MW - có khả năng cung cấp điện cho 30.000 ngôi nhà - đang phải tạm hoãn. Lý do được đưa ra chính là sự tắc nghẽn lưới điện.

Nhà thầu của dự án, BayWa RE, cho biết trang trại điện gió này có thể phải chờ đến 8 năm trước khi được kết nối với lưới điện.

Đây là một sự trì hoãn lớn, nhưng không phải trường hợp duy nhất. Trên khắp thế giới, các nhà phát triển năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với khoảng thời gian chờ đợi từ một vài năm, như ở một số khu vực tại Mỹ, cho đến 15 năm như ở Anh để được phép kết nối với lưới điện.

Cộng đồng nhà khoa học cho biết thế giới phải nhanh chóng thay đổi hệ thống năng lượng toàn cầu, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và ưu tiên sử dụng những nguồn năng lượng sạch hơn như gió và Mặt Trời nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, tránh được những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi này chỉ có thể diễn ra khi các dự án năng lượng tái tạo được kết nối với lưới điện.

Mối đe dọa lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng

Hai thập kỷ trước, lưới điện chỉ là một trong nhiều cách để tiếp cận với nguồn năng lượng, bên cạnh các lựa chọn như dầu mỏ và khí đốt.

"Nhưng giờ đây, hệ thống lưới điện đã trở thành phương tiện chính để tiếp cận với nguồn năng lượng", ông Frédéric Godemel, phó chủ tịch phụ trách hệ thống năng lượng và dịch vụ của công ty quản lý năng lượng Pháp Schneider Electric, nhận định.

"Lưới điện cần phải được cải thiện để thích ứng với một thời kỳ mới", ông bổ sung.

Theo Matthias Taft, giám đốc điều hành của BayWa RE - doanh nghiệp đang vận hành các dự án năng lượng ở hơn 30 quốc gia, sự chậm trễ trong việc kết nối với lưới điện là "rào cản lớn" cho các dự án năng lượng tái tạo không chỉ tại châu Âu, mà còn ở nhiều quốc gia khác như Mỹ hay Australia.

"Chúng tôi đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng khi phải chờ 5-10 năm (để được kết nối với lưới điện). Chúng tôi có giấy phép (xây dựng các dự án), nhưng không thể kết nối với hệ thống truyền tải năng lượng. Đây là một mối đe dọa lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng", ông Taft cho biết.

Các chính trị gia trên khắp thế giới đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho các dự án năng lượng tái tạo nhằm cải thiện an ninh năng lượng khi loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - thường phải được nhập khẩu.

Sự ủng hộ trên cũng là một phần trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính sau hiệp định Paris - đặt ra mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với mức lý tưởng là 1,5 độ C.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ phải tăng gấp 3 lần - từ mức 3.000 GW ở thời điểm hiện tại lên hơn 10.000 GW vào năm 2030.

Hệ thống lưới điện là một yếu tố đang bị bỏ qua trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận yêu cầu ít nhất 42,5% công suất điện toàn khối đến từ những nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trong tháng 4, các quốc gia phát triển G7 đã cam kết tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 150 GW vào năm 2030 và công suất điện mặt trời lên hơn một terawatt.

Mặc dù vậy, đằng sau tất cả cam kết trên, không có nhiều chính trị gia nói về việc cải thiện hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu để đạt được mục tiêu Net Zero của các quốc gia.

"Nhận thức của công chúng không tập trung vào hệ thống lưới điện. Chúng ta đều hiểu rằng tương lai của thế giới phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời. Nhưng lưới điện không phải một phần trong các cuộc thảo luận trên", Stephanie Batjer, thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Năng lượng Tái tạo, nhận định.

Khi thế giới trải qua quá trình điện hóa, với sự gia tăng việc sử dụng xe điện và máy bơm nhiệt, "chúng ta cần phải truyền tải lượng điện lớn hơn nhiều so với trong quá khứ", ông Batjer cho biết.

Tình trạng ùn ứ các dự án năng lượng tái tạo

BloombergNEF ước tính thế giới cần thêm 80 triệu km đường dây điện mới vào năm 2050 để đáp ứng quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.

Tại phần lớn các nước phương Tây, lưới điện được xây dựng sau Thế chiến II để phục vụ các cơ sở sản xuất sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ hoặc than đá. Để đáp ứng quá trình chuyển đổi xanh, hệ thống điện tại các quốc gia cần phải được thiết kế lại.

Cần nhiều trang trại điện gió và điện Mặt Trời chỉ để thay thế một nhà máy điện lớn - một phần do tính thiếu ổn định của năng lượng tái tạo. Những trang trại này thường được đặt ở ngoài khơi hoặc những khu vực hẻo lánh, nơi mà mạng lưới điện còn thưa thớt.

"Hệ thống lưới điện đang được đặt sai chỗ để chuyển nguồn năng lượng tái tạo đến các trung tâm kinh tế", giáo sư về hệ thống năng lượng của Đại học Exeter, Peter Crossley, nhận định.

Theo số liệu của BloombergNEF, tại Anh, Tây Ban Nha và Italy, hơn 150 GW công suất từ các dự án điện gió và điện Mặt Trời đang phải xếp hàng để được kết nối với lưới điện ở mỗi quốc gia.

Giới chuyên gia ước tính các quốc gia cần phải đầu tư tới 550 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 vào hệ thống lưới điện để đáp ứng được quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters.

Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley cho biết tại Mỹ, số yêu cầu kết nối lưới điện đã tăng 40% vào năm 2022, với hơn 2.000 GW công suất từ các dự án điện gió, điện Mặt Trời và dự trữ điện đang chờ để kết nối với mạng lưới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thay vì tăng lên sau khi thảo thuận Paris được ký kết vào năm 2015, quá trình đầu tư vào lưới điện toàn cầu đã sụt giảm trong các năm 2017-2020 và chỉ hồi phục về thời điểm năm 2016 trong năm ngoái, với nguồn vốn đạt 330 tỷ USD.

IRENA nhận định để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C, nguồn vốn đầu tư cho lưới điện toàn cầu sẽ cần phải đạt mức 550 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Các chính trị gia và nhà lập pháp cũng bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển lưới điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng. "Họ dần nhận ra rằng lưới điện là một tài sản chiến lược", Lisa Fischer, một nhà nghiên cứu tại tổ chức chiến lược E3G cho biết.

Cơ quan quản lý năng lượng tại Anh và Mỹ đang cải tổ chính sách nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng lưới điện và thông tin cho các nhà phát triển cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo về các khu vực có tình trạng ùn ứ.

"Nếu chính phủ và các nhà điều hành lưới điện không hành động quyết đoán, chúng ta sẽ thất bại trong cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng sạch", ông Taft, giám đốc BayWa RE, khẳng định.

An Bình

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/mon-moi-cho-ket-noi-vao-luoi-dien-tren-khap-the-gioi-post1439258.html