Món cơm cuộn gây hiểu lầm ở Hàn Quốc

Một món ăn tại Hàn Quốc được đặt tên 'mayak gimbap' - 'cơm cuộn gây nghiện'. Tên gọi này sẽ không còn được sử dụng do gây nhầm lẫn với ma túy.

Bảng hiệu món mayak gimbap tại chợ Gwangjang, Hàn Quốc. Ảnh: Newsis.

Gwangjang, một khu chợ truyền thống ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc), là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở thủ đô, cung cấp nhiều loại thực phẩm và đồ ăn vặt.

Tại đây, "mayak gimbap" - cơm cuộn rong biển cỡ nhỏ - rất nổi tiếng. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, gần 9 trong 10 bài đánh giá đều nói về món ăn này. Tuy vậy, tên của món cơm lại gây sự hiểu lầm không đáng có, theo The Korea Herald.

Trong tiếng Hàn, "mayak" có nghĩa là "ma túy". Thực chất, món ăn không chứa bất kỳ loại thuốc cấm nào. Cái tên này xuất phát từ nước tương có mù tạt khiến việc ăn chúng trở nên gây nghiện.

Monyeo Gimbap, một nhà hàng lâu đời trong chợ, được nhiều người biết đến là nơi đầu tiên thêm từ "mayak" vào tên món gimbap cùng với nước sốt đặc biệt của mình.

Món mayak gimbap xếp chồng lên nhau tại khu chợ Hàn Quốc. Ảnh: Newsis.

Khi món mayak gimbap của nhà hàng ngày càng trở nên phổ biến, điều này đã dẫn đến một xu hướng toàn quốc vào những năm 2010. Nhiều món ăn khác nhau sử dụng cụm từ “mayak” trong tên như "mayak tteokbokki" (bánh gạo gây nghiện) và "mayak corn dog" (xúc xích phô mai gây nghiện). Xu hướng này thậm chí còn mở rộng sang các sản phẩm gia dụng hàng ngày, bao gồm ghế, bàn và thậm chí cả ga trải giường.

Tuy nhiên, việc sử dụng từ "mayak" phổ biến hiện nay trong tên thương hiệu, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, có thể bị hạn chế trong những tháng tới.

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết các doanh nghiệp địa phương không nên sử dụng các cụm từ nhắc nhở mọi người về ma túy trong tên thực phẩm hoặc quảng cáo, nhằm ngăn chặn việc mô tả ma túy một cách tích cực và nâng cao cảnh giác của người dân về ma túy nói chung. Dự luật có hiệu lực vào tháng 7.

Cơ quan này đã tìm cách áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng cụm từ "mayak" và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Đáng chú ý, đề xuất này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, hầu hết là các cửa hàng nhỏ lẻ.

Chủ nhà hàng Monyeo Gimbap cho biết: "Từ mayak chỉ nhằm mục đích làm nổi bật danh tiếng ngon không thể cưỡng lại của gimbap. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chuẩn bị loại bỏ cụm từ này để đề phòng".

Kim Jae-young, 60 tuổi, một thực khách tại Monyeo Gimbap, cho biết bà hoàn toàn nhận thức được mình không thực sự dùng ma túy khi ăn món mayak gimbap nổi tiếng.

Bà chia sẻ: “Tôi đến đây vì bạn bè nói rằng món gimbap của nhà hàng này ngon đến mức phải thử qua một lần. Tôi không phản đối chính phủ loại bỏ từ mayak khỏi tên thực phẩm, nhưng có lẽ vẫn còn những lựa chọn thay thế hiệu quả hơn".

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-com-cuon-gay-hieu-lam-o-han-quoc-post1457850.html