Món ăn mang sự thịnh vượng cho năm mới

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng có các hương vị đặc biệt chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp và không thể thiếu dịp Tết.

Việt Nam: Bánh chưng được gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống gói bánh chưng vẫn luôn tồn tại và là một trong những văn hóa khơi gợi vị Tết đậm đà, rõ ràng nhất với những người con đất Việt. Ngày Tết, mỗi gia đình dâng cúng bánh chưng cũng nhằm thể hiện sự biết ơn với trời đất, cầu chúc một năm no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài ra, bánh còn thể hiện sự trân trọng đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngày nay, ở nhiều vùng miền, bánh chưng được biến tấu đa dạng như bánh chưng gấc, bánh chưng đen, bánh chưng gạo lứt, bánh chưng ngũ sắc... như một đặc sản mừng năm mới mang nhiều sắc màu may mắn.

Singapore và Malaysia: Trong bữa ăn đầu năm của hai quốc gia này đều có chung một món ăn truyền thống là Yu Sheng. Món gỏi được làm từ cá hồi sống, rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng... Cả gia đình sẽ cùng trộn các nguyên liệu với nước sốt và gia vị khi ăn. Người dân quan niệm món ăn được thêm cà rốt để cầu phát đạt, thêm dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và thêm dầu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài. Trong tiếng Hoa, cụm từ "Yu Sheng" mang ý nghĩa cuộc sống thịnh vượng. Ảnh: Asian Inspirations.

Hàn Quốc: Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc sẽ không trọn vẹn nếu thiếu Tteokguk - món canh bánh gạo có ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong năm mới. Bát canh Tteokguk gồm những chiếc bánh gạo được nặn khéo léo đầy đặn, kèm hành tây, thịt bò, hành hoa. Tất cả nguyên liệu được đun cùng nước hầm xương bò tạo ra hương vị tươi mát, thích hợp cho buổi sáng đầu xuân. Hình dạng của bánh gạo giống như đồng tiền kiểu Hàn Quốc cũ, vì vậy canh bánh gạo Tteokguk còn tượng trưng về sự giàu có và thịnh vượng. Ảnh: SideChef.

Trung Quốc: Người Trung Quốc cho rằng ăn sủi cảo vào đêm giao thừa sẽ mang lại tài lộc bởi món ăn này có hình dạng giống quan tiền. Sủi cảo có nhân thịt, hải sản và rau băm nhỏ. Sau khi được nặn thành hình lưỡi liềm, sủi cảo được hấp chín đến khi nhìn thấy được màu nhân bên trong. Đôi khi trong một mẻ bánh sẽ có 1-2 chiếc sủi cảo có đồng xu, mọi người quan niệm nếu ai lấy được chiếc bánh này sẽ có một năm mới may mắn. Ảnh: Freepik.

Lào: Tết của người Lào là Songkran. Người dân đất nước này thường đón năm mới muộn - vào khoảng giữa tháng tư hàng năm. Món Lạp được xem như linh hồn của mâm cơm đầu năm tại "đất nước triệu voi". Trong tiếng Lào, "lạp" mang nghĩa lộc, may mắn, tượng trưng cho lời cầu chúc tốt đẹp. Người địa phương thường dùng các loại thịt bò, heo, gà, vịt và tim, gan băm nhỏ. Riêng món lạp heo có thêm bì heo thái sợi. Tất cả được trộn đều với gia vị như nước cốt chanh, riềng, sả, hành tây, rất nhiều ớt và một chút thính nếp. Thực khách thường thưởng thức lạp kèm xôi nóng. Ảnh: Lam Linh.

Campuchia: Chol Chnam Thmay là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay (Lào), Tết Songkran (Thái Lan), hay Tết Thingyan (Myanmar). Lễ hội thường diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch. Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là cà ri. Theo phong tục, vào dịp Tết cổ truyền này, mỗi gia đình Campuchia sẽ có ít nhất một người mang thức ăn lên chùa nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức cà ri cay nồng đặc trưng. Ảnh: Khmertimeskh.

Khánh Vân

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-an-mang-su-thinh-vuong-cho-nam-moi-post1455236.html