"Môi trường khởi nghiệp nhiều biến động là cơ hội cho startup Việt"

Ngày 16/11, Diễn đàn sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam – Vietnam Startup Forum 2016 – do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam- Phần lan (IPP2) tổ chức đã chính thức khai mạc tại TP.HCM.

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện dành cho cộng đồng khởi nghiệp diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM từ 16 đến 19/11. Hoạt động này được tổ chức nhằm hưởng ứng “Tuần lễ khởi nghiệp toàn cầu” đang diễn ra trên 160 quốc gia với sự tham dự của hơn 10 triệu lượt người.

Theo ông Lê Hải Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), vì môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn mới nên sẽ có nhiều cơ hội hơn so với các môi trường ổn định như Mỹ hoặc Nhật Bản.

Đây cũng là lý do khiến nhiều công ty nước ngoài đang đổ về Việt Nam để đầu tư. Ở những nước đã phát triển thì thị trường gần như đã ổn định, bền vững, nên một trong những khó khăn của họ là thường khó bắt kịp với sự thay đổi của một thị trường đầy biến động ở Việt Nam. Đây là một trong những điểm có thể giúp các startup Việt tự tin để thành công ở thị trường trong nước trước các bạn bè quốc tế, vì họ đã hiểu thị trường và dễ linh hoạt biến đổi để thích nghi.

Các diễn giả của Tọa đàm về Xu thế Khởi nghiệp ở Việt Nam

Đồng quan điểm với ông Bình, ông Huỳnh Việt Phương - Trưởng VPĐD Hiệp hội Internet Việt Nam tại TP.HCM cho rằng: “Khó khăn của họ cũng có thể là thuận lợi của chúng ta. Họ không nắm thị trường, không hiểu con người, văn hóa, sở thích hoặc những thay đổi sáng nắng chiều mưa của người Việt như thay đổi hành vi người tiêu dùng. DN nước ngoài chậm trong việc chuyển đổi. Đây là cơ hội để DN Việt Nam tự tin để đối đầu với các DN nước ngoài, không phải lo lắng về vấn đề họ có nhiều tiền hơn hoặc họ có nhiều kinh nghiệm hơn”.

Ông Phương cũng chia sẻ thêm, điều các startup cần là kiểm soát được chất lượng sản phẩm, biết đối tượng dùng sản phẩm của mình là ai. “Gần như startup Việt Nam khá nóng vội, dùng từ khởi nghiệp nhưng muốn thành công ngay. Nhiều khi quá vội trong việc đẩy mạnh bán hàng, tìm khách hàng. Nhiều khi làm được việc đó, nhưng khi khách hàng tìm đến với chúng ta, sản phẩm chưa đủ chất lượng, bộ máy chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy có nhiều startup thành công mà cũng có nhiều startup thất bại”, ông Phương nhận xét.

Bà Lucy Keoni, chuyên gia về khởi nghiệp đến từ Mỹ cho biết “Bạn phải kiên nhẫn để không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, khi thiếu tiền, phải chi tiền nhiều. Cần phải có nhiều thứ khác để lấy làm động lực hơn là tiền”.

Bà Lucy Keoni (phải) – Chuyên gia về khởi nghiệp đến từ Mỹ

Về điểm yếu của cộng đồng startup hiện tại, nhiều diễn giả đồng ý với quan điểm đa số các startup thất bại là do thiếu kỹ năng mềm như lãnh đạo, quản lý tài chính, nhưng đặc biệt hơn là thiếu định hướng rõ ràng ngay từ đầu.

Bà Lucy cho rằng có đến 95% startup ở thung lũng Silicon thất bại là vì thiếu định hướng. Vì thế vai trò của các nhà đầu tư, nhà huấn luyện là phải nhận thấy vấn đề này để dìu dắt các nhà khởi nghiệp.

Ông Bình nhìn nhận đây cũng là vấn đề của các startup của Việt Nam. “Đa phần các bạn thất bại phần lớn vì thiếu định hướng. Về kỹ năng, trong quá trình vận hành doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể học được nhưng định hướng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp phải được xác định từ đầu, trước khi chúng ta bắt tay vào khởi động công ty đó. Trong quá trình vận hành có thể điều chỉnh để đi đúng hướng hơn", ông Bình cho hay.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp khi bắt đầu khởi nghiệp có thể có một định hướng ban đầu nhưng sau đó có thể điều chỉnh để phù hợp với hoạt động hoặc thị trường. “Cứ mạnh dạn đi, cần thay đổi thì cứ việc thay đổi, không có gì phải ngại, cố gắng nắm bắt thị trường, chuyển biến nhanh thì sẽ thành công”, ông Phương chia sẻ thêm.

Về hạn chế của startup Việt, ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mắt Bão cho rằng nhiều người vẫn còn ngại chia sẻ, cứ ôm khư khư ý tưởng của mình mà không dám nói ra vì sợ người ta ăn cắp để kinh doanh. Đây là tâm lý thường thấy ở những người khởi nghiệp, nhưng điều này không hẳn đúng.

Ông Duy cho biết, các startup trên thế giới có cộng đồng để chia sẻ ý tưởng và phản biện với nhau vì có càng nhiều góc nhìn phản biện thì cơ hội tránh sai lầm càng cao.

Đông đảo bạn trẻ khởi nghiệp và đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến tham dự Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam

“Theo quan điểm của tôi, các anh, chị cứ thoải mái ‘bung’, không sao cả. Bởi vì sản phẩm của chúng ta có gì khác biệt, cách làm có gì khác biệt chỉ có chúng ta biết rõ mà thôi. Nhưng ý tưởng có thể nhiều người giống nhau. Ví dụ như Yahoo có ý tưởng làm mạng xã hội 360, Facebook cũng có ý tưởng làm mạng xã hội. Dù Facebook ra sau nhưng tại sao lại trở thành mạng xã hội lớn nhất toàn cầu? Tôi nghĩ chỉ có Facebook mới biết chuyện đó, còn về ý tưởng thì có thể sẽ trùng nhau”, ông Duy chia sẻ.

Hoàng Nguyên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/moi-truong-khoi-nghiep-nhieu-bien-dong-la-co-hoi-cho-startup-viet-c7a468518.html