Mỗi hộ dân phải xây dựng phương án thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Sáng 25/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/ 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, chủ trì hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh XS)

Vi phạm trên đất nông nghiệp vẫn phổ biến

Tại hội nghị, báo cáo kết quả công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn, chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Trong công tác quản lý đất, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các ngành thực hiện rà soát các nội dung cần ban hành hướng dẫn theo Luật Đất đai 2013, đảm bảo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với các quy định của pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng.

UBND Thành phố đã ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực: thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác xác định giá đất; công tác đấu giá quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cấp huyện, UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đối với 263 dự án với diện tích là 270,8 ha. Kết quả, đã thu nghĩa vụ tài chính từ đất được 12.523 tỷ/26.769 tỷ đồng, đạt tỷ lệ: 46,78% kế hoạch. Toàn thành phố cũng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với số tiền trúng đấu giá là 5.650 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng, đạt 56,5 % kế hoạch.

Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Rà soát đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Thành phố đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành làm việc với các quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận.Kết quả đã cấp Giấy chứng nhận cho 1.328.810/1.355.510 thửa đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu dân cư cần cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai (đạt 98%); đã cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho các thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc chưa cấp được là 196.441/196.441 thửa, đạt 100%. Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở khi chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định 152.229/178.278 căn, đạt 85,39%. Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa, đất sản xuất nông nghiệp đã cấp được 611.370/625.257 giấy chứng nhận (đạt 98%)…

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông, trong 9 tháng đầu năm 2017, Sở đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai. Xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 trường hợp với tổng số tiền 260 triệu đồng; ban hành 02 quyết định thu hồi với tổng diện tích 100.944 m2 đất. Tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất mà đặc biệt là đối với đất công, đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích, tình trạng lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất công và xây dựng công trình trái phép còn phổ biến ở nhiều địa phương chưa được xử lý dứt điểm, chưa kết luận làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại một số địa phương chậm được xử lý, xử lý không dứt điểm, để phát sinh nhiều vụ việc kéo dài và đơn thư vượt cấp làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

9 tháng, xảy ra hơn 626 vụ cháy, thiệt hại trên 400 tỷ đồng

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn...Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi, nhận thức và ý thức của người đứng đầu đơn vị, cơ sở và nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn còn hạn chế. Hạ tầng xã hội, giao thông, nguồn nước… còn không ít tồn tại, vướng mắc, bất cập. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Qua thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm) và còn xảy ra hàng trăm sự cố tai nạn rủi ro trong cháy, nổ; sập đổ công trình trong thiên tai, bão, lũ, trong tai nạn giao thông, đuối nước, sự cố thang máy nhà cao tầng phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Quang cảnh hội nghị( Ảnh XS)

Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, riêng 9 tháng đầu năm 2017, xảy ra 626 vụ làm 18 người chết, 09 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỷ đồng và 55 ha rừng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% đến 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 01 đến 02% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn. Đáng chú ý là những vụ xảy ra tại loại hình nhà ở (dạng nhà ống) kết hợp kinh doanh dịch vụ, nhà kho, xưởng sản xuất, kho tạm… Nguyên nhân do sự cố chập điện chiếm tỷ lệ cao (60% - 65%). Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình chiếm tỷ lệ thấp, song gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (chết nhiều người).

Để kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, UBND Thành phố đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC Thành phố phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC, các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng,đ ã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC, còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Đồng thời đã rà soát toàn bộ các các địa điểm không an toàn về PCCC, có thể xảy ra cháy, nổ (Trung tâm thương mại: 15; Nhà hàng: 56; Cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi tập trung đông người, karaoke, vũ trường: 842; Trường học: 613; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu: 23; Cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng: 553; Cơ sở sản xuất: 915... ) Rà soát thống kê 321 chung cư cũ, được xây dựng từ trước năm 1990, đa số đã hết hạn sử dụng, xuống cấp. Các chung cư này hầu hết không được đầu tư trang bị phương tiện PCCC, các điều kiện thoát nạn, ngăn cháy không đảm bảo, tự ý cơi nới, lắp thêm chuồng cọp...Thành phố cũng đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó cương quyết xử lý vi phạm.

Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố cho rằng con số hơn 15.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp mà báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ ra cho thấy, việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng là hết sức nóng bỏng, tiềm ẩn nguy cơ không tốt về an ninh trật tự, đặc biệt là an ninh nông thôn. Do đó, trong thời gian tới giải pháp là tập trung xử lý, khắc phục sai phạm, nhất là với những sai phạm đã tồn tại trong nhiều năm cần phải được xử lý dứt điểm. Về công tác PCCC, qua các vụ cháy thể hiện ý thức của người dân, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn rất yếu. Nhiều nơi còn buông lòng , chính quyền và cơ quan công an, cụ thể lực lượng PCCC còn kém.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố cũng cho rằng, chủ tịch các quận, huyện phải bám sát 8 nhóm giải pháp mà Chỉ thị 08 của Thành ủy đã nêu rõ, rà soát, xử lý dứt điểm các đối tượng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, xử lý nghiêm theo quy định. Lãnh đạo cấp xã cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý đất đai; xử lý vi phạm, áp dụng kiên quyết cưỡng chế theo thẩm quyền và quan tâm đến tuyên truyền để các hộ dân chấp hành các quy định pháp luật.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định các vấn đề về kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; quản lý đất đai, và công tác PCCC luôn được người dân quan tâm. Thời gian qua các lĩnh vực này đã được các quận, huyện, ngành thực hiện nghiêm túc hơn, chỉ rõ được người chịu trách nhiệm để xảy ra vi phạm và thời gian khắc phục. " Hà Nội là đô thị lớn đang phát triển, nếu tồn tại không được xử lý dứt điểm ngay sẽ tích lũy ngày một nhiều và càng khó xử lý. Phải cá thể hóa trách nhiệm trong xử lý vi phạm, đưa vào công tác đánh giá cán bộ, không để việc trôi đi mà không ai chịu trách nhiệm và phải "đeo bám" những vấn đề đang tồn tại để xử lý dứt điểm”, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị.

Trong công tác PCCC, Bí thư Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Cảnh sát PCCC Thành phố phải xử lý cương quyết hơn. Tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm. Trong đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách PCCC. Cơ quan PCCC và chính quyền địa phương phải yêu cầu mỗi hộ gia đình xây dựng phương án PCCC riêng của nhà mình. Đặc biệt là phương án án thoát hiểm để không xảy ra thiệt hại về tính mạng.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/moi-ho-dan-phai-xay-dung-phuong-an-thoat-hiem-khi-xay-ra-hoa-hoan-60913.html