Mới: Cán bộ sai phạm ở đơn vị cũ vẫn bị xử lý kỷ luật khi chuyển cơ quan mới

Theo quy định mới, hàng loạt hành vi vi phạm của cán bộ, công chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật và cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật.

Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

Cũng theo Nghị định 72/2023, cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi vi phạm sau sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Về cách xác định thời điểm có hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.

Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện. Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, Nghị định 71/2023 còn nêu rõ, cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với vị trí hiện đang đảm nhiệm.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ.

Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Đối với trường hợp khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm, ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-can-bo-sai-pham-o-don-vi-cu-van-bi-xu-ly-ky-luat-khi-chuyen-co-quan-moi-post552787.antd