Mở rộng không gian đô thị TP Vinh

Đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị TP Vinh là 1 trong 5 chương trình, đề án trọng tâm mà tỉnh Nghệ An đề ra và quyết tâm thực hiện

UBND tỉnh Nghệ An vừa tiến hành Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện các ban, bộ, ngành trung ương.

Xác định rõ động lực tăng trưởng

Theo quy hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực. Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam vào ngày 13-1

Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5%-11%/năm. Trong cơ cấu GRDP, tỉ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 42%-42,5%, dịch vụ chiếm 39%-39,5%, nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5%-14%. Đối với đô thị và kết cấu hạ tầng, phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%-45%, hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch xác định phát triển TP Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An là 2 khu vực động lực tăng trưởng. Trong đó, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò. Khu vực Hoàng Mai - Đông Hồi phát triển các ngành công nghiệp có tính chất động lực gắn liền với cảng biển Đông Hồi. Khu vực Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An phát triển công nghiệp kết hợp dịch vụ hỗn hợp, trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Quy hoạch TP Vinh, Nghệ An sẽ được mở rộng, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực miền Trung

Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển khu kinh tế chia theo 3 vùng gồm: khu vực 1 (huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu và thị xã Cửa Lò), khu vực 2 (thuộc thị xã Hoàng Mai) và khu vực 3 (thuộc các huyện Hưng Nguyên và TP Vinh). Tổng diện tích xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ đến năm 2040 khoảng 5.823 ha.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển. Trước mắt, trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành công tác xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện. Thực hiện 5 chương trình, đề án trọng tâm, bao gồm: Đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam, đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị TP Vinh, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 gắn với đề án phân loại đô thị trên địa bàn tỉnh, hoàn thành đề án bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm trình Chính phủ, Quốc hội.

"Tỉnh Nghệ An xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực" - ông Nguyễn Đức Trung khẳng định.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ quy hoạch tỉnh Nghệ An và điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tỉnh phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh, các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ có tính động lực, lan tỏa, các hạ tầng xã hội y tế, văn hóa, hạ tầng số, các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường… Phát triển các hành lang kinh tế phía Đông để thúc đẩy vùng phía Tây phát triển.

"Quy hoạch tỉnh Nghệ An cần được đánh giá, nhìn nhận trong mối quan hệ với các địa phương lân cận, trong nội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, và với các vùng kinh tế - xã hội khác. Từ đó, lựa chọn, đề xuất những dự án ưu tiên liên kết nội vùng, liên vùng, tạo sự kết nối liên thông tổng thể, đồng bộ, thống nhất để khơi thông nguồn lực phát triển. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư nhân" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Nghệ An cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực đột phá. Nghệ An cần khai thác tối đa các lợi thế về cơ chế, chính sách đặc thù để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính... để tăng cường niềm tin nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược.

Phó Thủ tướng mong muốn nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn, cùng với Nghệ An cụ thể hóa quy hoạch, viết lên những kỳ tích về phát triển để quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án

Ngày 13-1, tỉnh Nghệ An đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện 6 dự án có tổng mức đăng ký là 390 triệu USD, tương đương hơn 9.555 tỉ đồng, đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam. Đây là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện, thiết bị điện tử, năng lượng xanh... Trước đó, năm 2023, Nghệ An thu hút hơn 1,6 tỉ USD vốn FDI, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-rong-khong-gian-do-thi-tp-vinh-196240118220812533.htm