Mở rộng giải pháp lệch giờ, lệch ca

Các đơn vị liên quan đã đề xuất một số phương án lệch ca, lệch giờ. Phương án thứ nhất là không điều chỉnh giờ học (do đã ổn định nhiều năm nay) mà chủ yếu điều chỉnh giờ làm việc trong khu vực nhà nước.

Trước tình hình kẹt xe đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và gia tăng trên diện rộng, UBND TPHCM giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM (HIDS) khẩn trương tổ chức đánh giá lại hiệu quả của giải pháp bố trí lệch ca làm việc, lệch giờ học đồng thời đề xuất giải pháp khả thi nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông.

Điều chỉnh nhỏ, hiệu quả cao

Tại TPHCM, việc nghiên cứu giải pháp bố trí học lệch giờ, làm việc lệch ca đã được thực hiện từ năm 2001. Đến tháng 10-2007, UBND TP đưa giải pháp lệch giờ, lệch ca vào kế hoạch cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đề án không được HĐND TP thông qua nên UBND TP chỉ đạo triển khai cục bộ tùy theo địa phương, khu vực, tuyến đường…

Cụ thể, ngành giáo dục đã áp dụng lệch giờ đối với các khối lớp tiểu học, THCS và THPT, với thời gian vào lớp và ra về giữa các khối lớp lệch nhau 15 phút. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, Sở GD-ĐT còn yêu cầu các trường chủ động phối hợp với nhau điều chỉnh lệch giờ vào học và ra về giữa các trường trong cụm trên những tuyến đường trọng điểm, hoặc trong khu vực có bán kính nhỏ thường xảy ra kẹt xe. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả và tình trạng kẹt xe trước cổng trường đã phần nào được giảm bớt.

Hình ảnh thường thấy vào giờ tan tầm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình

Hình ảnh thường thấy vào giờ tan tầm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình

Tương tự, Ban quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, do các doanh nghiệp tổ chức thời gian làm việc phần lớn theo ca hành chính, nên ùn tắc thường xảy ra 30 phút trước giờ bắt đầu làm việc và sau khi kết thúc ca.

Chỉ riêng tại các doanh nghiệp tổ chức làm việc theo 3 ca thì không xảy ra ùn tắc giao thông khi vào hay ra ca…

“Từ năm 2011, Hepza đã triển khai chủ trương điều chỉnh thời gian làm việc và bố trí giờ làm lệch ca đối với các doanh nghiệp trong 16 khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc bố trí lệch giờ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của người lao động, thời gian đưa rước con đi học, cũng như đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp”, đại diện Hepza thông tin.

Chia ca làm việc hay tạo trật tự giờ giấc mới?

Hiện các đơn vị liên quan đã đề xuất một số phương án lệch ca, lệch giờ. Phương án thứ nhất là không điều chỉnh giờ học (do đã ổn định nhiều năm nay) mà chủ yếu điều chỉnh giờ làm việc trong khu vực nhà nước.

Theo đó, UBND TP và các sở/ban/ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp chia thành 2 ca làm việc, cách nhau 30 phút.

Thời gian nghỉ giữa 2 buổi còn 60 phút, thay vì 90 phút như hiện nay. Cụ thể, vào buổi sáng, ca 1 từ 7 giờ - 11 giờ 30, ca 2 từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30.

Buổi chiều, ca 1 từ 12 giờ 30 - 16 giờ và ca 2 từ 12 giờ 30 - 16 giờ 30. Theo đánh giá, việc thay đổi này sẽ tác động đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhưng mức độ không lớn.

“Hiện có gần 122.000 người làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp, nên khi thay đổi thời gian làm việc như trên sẽ làm giảm từ 30% - 60% phương tiện cá nhân của số người này tham gia giao thông vào giờ cao điểm (khoảng 36.600 - 73.200 xe), góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, khi điều chỉnh thì vẫn đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp liên tục từ 7 giờ - 16 giờ 30. So với thiệt hại gây ra do kẹt xe cũng như với chi phí thực hiện các giải pháp giảm thiểu kẹt xe, phương án này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, đại diện HIDS nhận xét.

Một phương án khác là UBND TP, sở/ban/ngành, UBND các cấp và cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các trường học (kể cả trường đại học) trên địa bàn TPHCM sắp xếp lại giờ làm việc, học tập.

Theo đó, thứ hai và thứ sáu làm việc từ 8 giờ - 12 giờ và từ 13 giờ 30 - 17 giờ 30; thứ ba, thứ tư và thứ năm làm việc từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30 và từ 13 giờ - 17 giờ (như thời gian làm việc hiện nay).

Phương án này sẽ góp phần giảm kẹt xe trong các ngày thứ hai, thứ sáu (thường ùn tắc kéo dài khi người dân từ các tỉnh, thành trở lại làm việc hay rời TPHCM vào cuối tuần).

Ngoài ra, phương án này tạo ra một trật tự mới về thời giờ làm việc, học tập phù hợp với các nước trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trước mắt và lâu dài một cách linh hoạt ở đô thị.

Tuy nhiên, việc đón con em đi học về vào thứ hai và thứ sáu sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc thay đổi giờ học tập theo giờ giấc nêu trên sẽ gây xáo trộn khá lớn so với giờ học tập hiện tại nên phải khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, giáo viên và giảng viên.

Các nội dung đề xuất này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, trước khi trình UBND TPHCM có ý kiến chính thức.

Hoàn chỉnh đề án lệch ca, lệch giờ trong tháng 9-2017

Tại một buổi làm việc về giải pháp lệch ca làm việc, lệch giờ học trong tháng 8-2017, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao HIDS phải hoàn chỉnh, trình UBND TP đề án về các giải pháp khả thi kéo giảm ùn tắc giao thông trong tháng 9-2017. Yêu cầu này đã được Chủ tịch UBND TP nhắc lại tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2017 của TP, diễn ra hôm 5-9.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mo-rong-giai-phap-lech-gio-lech-ca-466206.html