Mở rộng biên giới nghệ thuật đồ họa

Đưa hình ảnh, hình tượng đồ họa từ không gian 2 chiều truyền thống sang không gian 3 chiều của điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt, trình diễn... đồ họa mở đang dần được biết tới trong cộng đồng sáng tác và công chúng. PGS.TS. NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đồ họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ về loại hình nghệ thuật này.

Đưa đồ họa mở đến công chúng

- Lần đầu tiên một triển lãm giới thiệuvẻ đẹp của nghệ thuật đồ họa tranh in theo hình thức mở được tổ chức. Dường như khái niệm đồ họa mở còn khá xa lạ với công chúng, thưa ông?

- Khái niệm đồ họa mở chính xác mới được sử dụng tại Việt Nam cách đây 10 năm. Cụ thể, đây là một phần kiến thức mà Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đưa vào chương trình đào tạo.

PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Trên cơ sở những thực hành, nghiên cứu của giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho thấy, trên thế giới trong khoảng 40 năm trở lại đây, nghệ thuật đồ họa đã mở rộng biên giới của nó theo hình thức đưa các hình ảnh, hình tượng từ không gian hai chiều sang không gian ba chiều, có dạng tranh nhiều lớp, tranh sắp đặt đồ họa. Từ những năm 2008 - 2009, giảng viên Khoa Đồ họa bắt đầu có những thực hành, đến năm 2013 củng cố được nền tảng kiến thức và thực hành của chính các thầy cô và chúng tôi quyết định đưa vào bài học Nghệ thuật đồ họa mở.

Từ năm 2013 đến nay là 10 năm khái niệm đồ họa mở được đưa vào nhà trường. Tác phẩm đồ họa mở cũng xuất hiện trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, và đạt giải trong Festival Mỹ thuật trẻ. Trong quá trình đào tạo, sau mỗi học kỳ lại có triển lãm tổng kết bài học đồ họa mở của sinh viên, diễn ra ở quy mô lớp học, hoặc có sự tham gia của sinh viên các khóa. Tuy nhiên, khái niệm đồ họa mở chưa được phổ biến lắm với công chúng, bởi những vấn đề, bài viết học thuật công bố ra ngoài trường chưa nhiều.

Chính vì vậy, Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam quyết định cùng với Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm để có thể đưa khái niệm này ra ngoài nhà trường. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn cho công chúng thấy nghệ thuật đồ họa đi lên từ truyền thống, từ những tranh khắc gỗ, từ giấy dó... vẫn có thể kết nối được với tư duy hiện đại trong thực hành nghệ thuật và có thể phản ánh được những vấn đề xuyên suốt của văn hóa, lịch sử.

- Từ xu thế thế giới và qua 10 năm quan sát, đồng hành, ông nhận thấy sự bắt nhịp của nghệ thuật đồ họa mở Việt Nam ra sao?

- Thực ra xu thế này ở trên thế giới cũng không hẳn quá phổ biến. Ngay năm trước, tại một tọa đàm ở Philippines có rất nhiều ý kiến về tính mở của đồ họa. Đa phần đang dịch chuyển không gian hai chiều của một bức tranh khắc gỗ, khắc kẽm hay in đá để thành một tác phẩm của không gian ba chiều. Ngoài ra, có những tác phẩm còn ở dạng nhiều lớp hay là book-art. Với sự thể hiện trong không gian ba chiều, tác phẩm được mở rộng cho chính bản thân nó và có thể chuyển tải được nội dung phức tạp hơn là với một bức tranh bình thường. Chính vì vậy mà nó đáp ứng được thực hành nghệ thuật đương đại, khi mỗi tác phẩm đều có tính chất đa nghĩa, có sự kết nối với không gian bày đặt. Đây là một trong những điều rất quan trọng của đồ họa mở, bởi vì loại hình này áp dụng tính chất của nghệ thuật sắp đặt đưa vào tác phẩm.

Ở Việt Nam, đã có một số nghệ sĩ kết hợp cả tranh đồ họa cùng với nghệ thuật trình diễn, cũng là một cách để hai loại hình nghệ thuật này tương tác với người xem mạnh hơn, tương tác với không gian trưng bày.

Kết nối với truyền thống

- Trong triển lãm “Đồng vọng”, những câu chuyện, hình ảnh xa xưa như Tiên nữ - cánh diều, mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà, Non cao đường dài, Vinh quy bái tổ… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống. Xin ông cho biết trải nghiệm của các nghệ sĩ khi thực hiện cuộc “đối thoại với di sản” này?

- Chúng tôi lấy tên triển lãm là “Đồng vọng”, với mong muốn những người sáng tạo nghệ thuật hiện nay nên nhìn lại quá khứ, để chúng ta thấy được những giá trị xưa và hướng tới tương lai, hướng tới một nền nghệ thuật mà những giá trị của truyền thống được kết nối, lan tỏa.

Công chúng tương tác với tác phẩm "Âm đức" của tác giả Nguyễn Thị Tuệ Thư

Ý tưởng triển lãm như vậy thực ra là một thách thức rất lớn đối với chúng tôi khi xây dựng tác phẩm, trưng bày trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những người tham gia triển lãm đa phần là cựu sinh viên Khoa Đồ họa và giảng viên thỉnh giảng của Khoa. Thời gian gần đây, họ đều thực hành đồ họa mở, việc đưa ra tác phẩm ở đây nằm trong chuỗi sáng tác của từng người. Cuối cùng, các thành viên cũng đã tạo ra được những tác phẩm mà bản thân chất liệu, chủ đề có tính kết nối rất tốt với không gian kiến trúc gỗ truyền thống này.

- Với đất nước có bề dày văn hóa, nhiều hiện vật, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Việt Nam, đây có phải là lợi thế, không gian rộng mở cho các nghệ sĩ sáng tạo không, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để khích lệ những người sáng tạo trên tinh thần phát huy tất cả giá trị đó. Tất nhiên là mọi người sáng tác đều luôn có ý thức khẳng định tác phẩm của mình là người Việt Nam sáng tác, liên quan đến các câu chuyện của Việt Nam. Song với xu hướng sáng tác đương đại, nghệ sĩ chú trọng đến tính cá nhân nhiều hơn. Cho nên cũng cần có sự điều tiết nhất định từ công tác đào tạo hay hoạt động của các hội nghề nghiệp, sự phối hợp của các đơn vị. Ví dụ sự phối hợp lần này của Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất tuyệt vời, vì chúng tôi là các đơn vị đào tạo, nghệ sĩ thì rất cần có một hệ sinh thái để hoạt động. Nếu không có các đơn vị kết nối thì rất khó. Do đó, điều quan trọng nhất là chúng ta tạo ra hệ sinh thái để kết nối với nhau, từ đó đưa ra những ý tưởng thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/mo-rong-bien-gioi-nghe-thuat-do-hoa-i347233/