Mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn: Cần đội ngũ giảng viên giỏi và nền tảng cơ sở vật chất

Nhiều trường đại học đang chuẩn bị mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Cần đội ngũ giảng viên giỏi và nền tảng cơ sở vật chất

Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: hust.edu

Việc mở ngành đào tạo công nghệ vi mạch, bán dẫn hoặc tách chương trình này thành một chuyên ngành riêng từ các ngành gần như Điện – Điện tử, Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật... đang trở thành xu hướng của các cơ sở đào tạo trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và đón đầu chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các trường đại học khi mở ngành là phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đủ trình độ, tìm kiếm doanh nghiệp hợp tác để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng khắt khe của thị trường lao động.

* Đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Mặc dù công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác, chính các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Hiện nay, khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam có khả năng tham gia đào tạo. Song, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Vì vậy, muốn tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức; từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Bên cạnh đó, liên quan đến đầu ra của nguồn nhân lực, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: Chính phủ có chủ trương, nhưng đó là tổng nhân lực có thể cần cho toàn ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó cơ cấu nhân lực rất khác nhau, từ trình độ cao đẳng đến đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực cần ở ngành nào, trình độ nào phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của tập đoàn nước ngoài. Đây là bài toán "con gà quả trứng", các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào phải nhìn thấy nguồn nhân lực có sẵn, nhưng để thu hút và đào tạo sinh viên, cần đặt ra chỉ tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo, phải biết dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Đây là bài toán rất khó. Vì vậy, khi mở ngành đào tạo, các trường vẫn cần tiếp cận những chương trình đào tạo theo ngành rộng.

* Nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên

Sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ở thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường đại học mở ngành vi mạch, bán dẫn như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…

Với các đại học hàng đầu đã có kinh nghiệm đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…, nền tảng về đội ngũ giảng viên cơ hữu cũng như cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đã được đầu tư khá đầy đủ để sẵn sàng “bắt nhịp” vào việc đào tạo chuyên ngành về vi mạch, bán dẫn.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo khác cũng đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, tận dụng nguồn nhân lực giảng viên có sẵn (từ các ngành gần), cũng như tuyển dụng mới, đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành để đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn.

Từ năm nay, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh - Đồng Trưởng Khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: Nhà trường đã, đang đào tạo hai ngành gần với công nghệ vi mạch bán dẫn gồm: ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano; ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử. Đây là cơ sở để nhà trường xây dựng ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn, bổ sung thêm những học phần về thiết kế, kiểm thử trong quy trình sản xuất vi mạch, bán dẫn.

Việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngành này được tận dụng từ cơ sở vật chất đào tạo hai ngành gần. Đồng thời, Khoa cũng phải bổ sung thêm một số cơ sở vật chất khác để đáp ứng yêu cầu đào tạo vi mạch bán dẫn.

Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh cho biết: Có 3 công đoạn cơ bản để tạo ra một sản phẩm chip bán dẫn, gồm: thiết kế; chế tạo; đo kiểm và đóng gói. Trong đó, phần kiến thức xuyên suốt nhất cho sinh viên tập trung ở thiết kế và đo kiểm, còn phần chế tạo, ưu điểm của nhà trường là đã triển khai nội dung này trong ngành gần nên có thể đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn thuận lợi. Trên thực tế, công đoạn chế tạo vẫn còn hạn chế nhưng việc học nguyên lý, kỹ thuật chế tạo thì trường đảm bảo được.

Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn được huy động từ các giảng viên cơ hữu dạy ngành Vật lý Kỹ thuật và điện tử. Ngoài ra, còn có giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực…

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh cũng cho rằng, để tuyển dụng được một giảng viên phù hợp với ngành đào tạo cần phải có thời gian. Về lâu dài, nhà trường có kế hoạch tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sỹ về thiết kế vi mạch, bán dẫn; đồng thời, dự kiến gửi thạc sỹ trẻ đi nước ngoài đào tạo chuyên môn về vi mạch, điện tử, sau đó trở về công tác tại trường.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đội ngũ này gồm: giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đại học ngành Kỹ thuật điện tử và các ngành gần; tuyển dụng giảng viên cơ hữu (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam) có trình độ, kinh nghiệm thực tế thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch được đào tạo từ các nước phát triển; đội ngũ chuyên gia quốc tế và chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các công ty liên quan đến bán dẫn tại Việt Nam dưới dạng hợp đồng thỉnh giảng và hướng dẫn thực hành.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn của Trường Đại học Phenikaa sẽ tích hợp các học phần có bản quyền được xây dựng bởi các doanh nghiệp thiết kế vi mạch. Ngoài ra, nhà trường cũng được tiếp cận khung chương trình đào tạo và học liệu số về thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học của Synopsys – một tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Về cơ sở vật chất, ngoài các phòng thí nghiệm điện tử cơ bản, nhà trường đã hoàn thành dự án đầu tư giai đoạn 1 mua sắm máy chủ và phần mềm thiết kế chuyên nghiệp của Synopsys để xây dựng phòng thí nghiệm cho lĩnh vực vi mạch. Hiện nay, nhà trường đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo việc triển khai các khâu thiết kế và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn. Trường cũng đã thành lập Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển về vi mạch bán dẫn, đầu tư thành lập công ty bán dẫn có tên S-Phenikaa để đào tạo, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn.

Việc hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp cũng được coi là một trong những chiến lược quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Samsung Điện tử (Hàn Quốc) đã ký kết văn bản hợp tác triển khai Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track (V-STT) nhằm giúp sinh viên xuất sắc có cơ hội nhận được học bổng đào tạo thạc sỹ định hướng về bán dẫn và vi mạch. Sinh viên sau khi tốt nghiệp theo chương trình học bổng do Samsung tài trợ sẽ được làm việc trực tiếp tại công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip bán dẫn. Đây cũng được xem là giải pháp để thu hút sinh viên lựa chọn theo học ngành này ở các bậc học cao hơn.

Có thể nói, việc các trường đại học mở chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn là hướng đi đúng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, cần tránh tình trạng các trường đại học ồ ạt mở ngành để chạy theo xu hướng, vấn đề chất lượng đầu ra và việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là các yếu tố cần được tính toán kỹ lưỡng.

Việt Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-nganh-dao-tao-vi-mach-ban-dan-can-doi-ngu-giang-vien-gioi-va-nen-tang-co-so-vat-chat/325309.html