Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh 'thực tiễn hóa' khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác

Trên nền tảng bảo tồn di sản

Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương (kinh tế dịch vụ chiếm từ 51 - 53% GDP, trong đó dịch vụ, du lịch từ di sản chiếm tỷ trọng chính), doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn, thân thiện của du lịch Việt Nam.

Bảo tồn bền vững di sản Cố đô Huế với định hướng hiện thực hóa tầm nhìn của Nghị quyết số 54-NQ/TW, trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, ở Huế có các vùng xung quanh trung tâm thành phố với những chiều hướng phát triển khác nhau. Vùng đô thị cổ ở phía Bắc sông Hương bao gồm cả khu vực quần thể di tích cố đô ở phía Đông Bắc, đây là khu vực phân bố dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa… Vùng Tây Nam có các vùng di tích lịch sử, tôn giáo...

Theo lãnh đạo TP. Huế, trong quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai chỉnh trang đô thị, Huế sẽ bám sát theo hướng bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, tận dụng và phát huy tối đa các nguồn tài nguyên, tiềm năng cảnh quan thiên nhiên đã ưu đãi, xây dựng, phát triển du lịch sinh thái, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo riêng của Huế nhằm thu hút khách du lịch.

Quy hoạch tỉnh cũng đã chỉ rõ và khẳng định vai trò của di sản Huế trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Tỉnh đang chú trọng đầu tư xây dựng, hình thành các thiết chế, không gian văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Huế xứng tầm như, Quảng trường Văn hóa thể thao, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật, sắp xếp vườn tượng quốc tế…”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Hình thành đô thị trung tâm

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, đồ án quy hoạch đã thể hiện được hạt nhân là thành phố Huế hiện nay và tính toán rõ không gian phát triển; quy mô phát triển tại các khu vực nông thôn và thành thị… đặc biệt là việc lấy sông Hương làm trục chính để hướng đô thị về phía biển.

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII mới đây, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị Thừa Thiên Huế, tổng số điểm đạt 84,92 điểm/100 điểm (khung điểm theo quy định yêu cầu đạt từ 75 - 100 điểm). Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này. Đây là tiền đề quan trọng để nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý, thủ tục trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đạt tiêu chí đô thị loại I và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu của đô thị tương ứng với từng giai đoạn. Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng giai đoạn. Xác định việc sử dụng ngân sách đầu tư phát triển đô thị hiệu quả, có tác dụng làm hạt nhân kích thích thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.

Cùng với hình thành các đô thị trung tâm, Quy hoạch tỉnh cũng nêu rõ các trung tâm động lực tăng trưởng. Đó là, quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm. Xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; phát triển khu công nghiệp, hình thành đô thị công nghiệp phía bắc kết nối với tỉnh Quảng Trị…

“Thời gian qua, các dự án lớn trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới, làm thay đổi diện mạo đô thị và động lực cho phát triển bền vững. Song song với đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn của mô hình đô thị Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin.

Thúc đẩy liên kết vùng

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.

Theo nghị quyết này, công tác xây dựng quy hoạch cần được quan tâm làm cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác; là công cụ điều phối, quản lý thống nhất vùng và các tiểu vùng.

KTS. Trần Ngọc Chính từng đề nghị tỉnh cụ thể hóa tính kết nối vùng bằng các tuyến giao thông, nhất là vấn đề kết nối phía bắc, tây và nam. Từ đó, định hướng liên kết với hệ thống giao thông quốc gia.

Về hướng phát triển kinh tế, ông Chính nhận định, kinh tế biển có vai trò quan trọng, trong đó, đầm phá Tam Giang cần liên kết với biển để tạo động lực phát triển lớn hơn, đảm bảo liên kết với các cảng biển ở khu vực miền Trung.

Bây giờ, Quy hoạch tỉnh đã nhấn mạnh đến yếu tố liên kết vùng trong phương án phát triển kinh tế - xã hội. Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với Quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc bắc nam, Quốc lộ 49B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển. Hành lang kinh tế Đông Tây. Đó là sự kết nối liên thông 3 cụm cảng biển phía đông (gồm: Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt - Lào ở phía tây (A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các Quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua Quốc lộ 49F; hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP. Đà Nẵng.

Theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, để tạo được tính liên kết vùng chặt chẽ, Huế cần nhiều hơn sự hỗ trợ, để không chỉ kết nối các tỉnh, thành ven biển mà kết nối với các địa phương vùng núi, Tây Nguyên. Quy hoạch tỉnh đóng vai trò quan trọng, song kế hoạch thực hiện quy hoạch rất quan trọng nhằm trả lời những vấn đề đặt ra. Tôi mong rằng sẽ có sự hỗ trợ từ Trung ương để tỉnh có chương trình thu hút đầu tư trong thời gian tới”, ông Sơn chia sẻ.

(còn nữa)

Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mo-khong-gian-tao-dong-luc-phat-trien-ky-3-nhan-dien-phuong-an-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-139267.html