Mở cửa lại trường học: Không quá lo lắng khi F0 tăng cao!

Mặc dù số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang tăng cao. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì việc mở cửa trường học ở thời điểm hiện nay là phù hợp.

Áp lực lớn đè nặng trên vai thầy cô

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, đặc biệt các tỉnh ở phía Bắc. Đơn cử, trong ngày 15/2, Hà Nội lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới cao gần 4.000 ca. Trong khi các tỉnh như: Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa… số ca mắc mới cũng ở mức cao, xấp xỉ trên dưới 1.000 ca.

Mặc cho dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành giáo dục vẫn nỗ lực mục tiêu đưa học sinh đi học trở lại. Đặc biệt, ở những địa phương mà thời gian nghỉ học đã kéo dài, dịch bệnh lại phức tạp như tại Hà Nội thì mục tiêu đưa học sinh trở lại trường sẽ gặp không ít thách thức.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Quý Trang - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, đến tuần này tất cả các trường bậc THCS trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đều đi học trực tiếp.

Qua rà soát, tỷ lệ học sinh khối 7,8,9 học trực tiếp trên 85% học sinh. Còn khoảng hơn 14% học trực tuyến. Các em học trực tuyến có nhiều lý do, trong đó có các trường hợp là F0. Qua một tuần theo thống kê đến 15/2 thì có 355 học sinh của quận Nam Từ Liêm thuộc diện F0.

Chia sẻ thêm về công tác dạy học, ông Nguyễn Quý Trang cho rằng, ở các khối lớp có camera quay trực tiếp bài giảng của thầy cô trên lớp, khi học sinh ở nhà học trực tuyến cũng được theo dõi bài dạy như các bạn ở trường. Mặc dù, phương pháp này có hạn chế là sự tương tác giữa giáo viên với học sinh nhưng các em lại được theo dõi thầy cô dạy như các bạn ở lớp. “Nhìn chung mọi việc cũng ổn, phụ huynh học sinh đều cảm thấy yên tâm khi quay trở lại học trực tiếp” - ông Trang chia sẻ.

Cũng theo vị này, khi cùng lúc duy trì việc dạy học bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến thì giáo viên rất vất vả. Do đó, rất mong muốn tới đây Hà Nội cho phép cả khối 6 đi học trực tiếp để giáo viên bớt vất vả hơn. “Còn như hiện nay, sáng đi dạy trực tiếp, chiều dạy trực tuyến cho học sinh khối 6 nên rất mệt. Các thầy cô rất vất vả để đem lại hiệu quả giảng dạy cho học sinh trong bối cảnh hiện nay” - ông Trang nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến công tác dạy và học sau Tết, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An cho biết, tỉnh này ưu tiên tối đa cho việc dạy học trực tiếp. Còn những trường nào, lớp nào có F0, F1 sẽ được bóc tách và tổ chức cho các em học trực tuyến. Các em này sẽ học theo hình thức quay trực tiếp việc giảng dạy tại lớp để ở nhà theo dõi. “Việc dạy học như vậy để học sinh ở nhà yên tâm học tập” – ông Hoàn chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàn, nếu dịch ổn định thì những học sinh phải học online ở nhà sẽ được dạy lại hoặc các nhà trường sẽ giao giáo viên kèm cặp, hỗ trợ. “Ngoài ra, Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên cùng với chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn điều trị cho các em học sinh bị nhiễm COVID-19. Việc làm này rất được phụ huynh đồng tình. Đây là điều nhân văn và quan trọng vì nhiều vùng nông thôn, nhận thức của phụ huynh về dịch bệnh vẫn chưa tốt, đặc biệt cho uống thuốc lung tung. Đến thời điểm này công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh trong phòng dịch là rất tốt” - ông Hoàn chia sẻ.

Để đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại đang là nỗ lực lớn của toàn ngành giáo dục. Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, để thực hiện được nhiệm vụ này, thầy cô vì thế cố gắng hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, nhà trường đã chuẩn bị sẵn tất cả các kịch bản và công nghệ để đảm bảo cho kế hoạch giáo dục diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, khó khăn đã xuất hiện khi giáo viên phải vất vả hơn rất nhiều so với khi thực hiện dạy học một hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Việc đảm bảo an toàn tại nhà trường cũng làm tăng thêm khối lượng công việc như việc khử khuẩn lớp học. Lúc này, việc nhiễm COVID-19 đang trở nên phổ biến và nguồn nhiễm khó xác định. Nhà trường quyết tâm đồng lòng thực hiện các giải pháp căn cơ nhất để giúp quá trình đưa học sinh trở lại trường thuận lợi.

Nếu có F0, cả lớp cũng không nên ở nhà

Trước thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh rất lo lắng. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng chưa cần thiết mở lại trường học. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội. Theo đó, ông Hùng cho rằng, trong bối cảnh này vẫn cần duy trì mở trường. Bởi vì, F0, F1 tăng nhưng về cơ bản trẻ em mức độ bị nặng rất thấp.

“Trẻ em không thuộc nhóm nguy cơ bị nặng khi nhiễm COVID-19. Do đó, khi tổ chức dạy học thì tăng cường phát hiện triệu chứng để cách ly kịp thời. Trẻ nào bị nhiễm thì cách ly ở nhà. Không cần thiết một trẻ bị F0 thì đóng cửa cả lớp hay đóng cửa cả trường học. Điều này không cần thiết” - chuyên gia này nói.

Học sinh đi học trở lại về lâu dài sẽ tốt hơn cho các em.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, tại trường học cần duy trì 5K mà đặc biệt vấn đề mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Hiện các trường khi phát hiện học sinh F0 thì cho cả lớp nghỉ học là không phù hợp. Nếu như vậy sẽ nghỉ học suốt. Nếu trẻ trong lớp khi ra chơi, hay trên đường về mà mang khẩu trang kể cả tiếp xúc với F0 cũng không phải dễ lây nhiễm. Vì thế tránh tình trạng buộc F1 ở nhà, có F0 thì đóng cửa lớp.

“Phụ huynh không nên quá lo lắng vì tỷ lệ trẻ nhiễm nặng và tử vong rất hiếm gặp. Điều này chỉ ở những trẻ mắc bệnh lý nền béo phì, trẻ bị bệnh nền. Còn trẻ bình thường khi bị chỉ cách ly 7 ngày. Dịch còn dài, nếu cứ sợ, đóng cửa suốt thì ảnh hưởng đến trẻ về lâu dài. Trong gia đình, bố mẹ cũng có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ chứ không phải đến trường mới lây nhiễm. Do đó, bản thân phải tuân thủ tốt 5K khi đi làm”.

Cũng liên quan vấn đề này, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, việc cho trẻ em đi học là vô cùng cần thiết vì nếu cho trẻ nghỉ quá lâu, các em không những khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có thể bị trầm cảm, mắc các bệnh không lây nhiễm hay nghiện game…

Đến thời điểm này tỷ lệ tiêm vaccine cao, những trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng đều là người lớn hoặc trẻ trong lứa tuổi 12 - 17 với các triệu chứng nhẹ. Với trẻ trong độ tuổi 5-11, khi mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Khi đi học, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp 5K để phòng bệnh. “Học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng” - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Qua trao đổi với thầy cô và chuyên gia có thể thấy, việc đưa học sinh đi học trở lại là quyết định hợp lý. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các thầy cô và phụ huynh học sinh phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-cua-lai-truong-hoc-khong-qua-lo-lang-khi-f0-tang-cao-post181725.html