Miền Trung ngập chìm trong lũ

Thừa Thiên-Huế dự tính di dời 20.000 người tránh lũ; có sáu người thiệt mạng, một công binh bị lũ cuốn…

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, liên tục những ngày qua, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to khiến nước lũ trên các sông ở miền Trung đang lên nhanh và ở mức cao. Đến chiều 3-10, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đều xấp xỉ mức báo động 2. Riêng sông Gianh tại Mai Hóa (Quảng Bình) ở mức trên báo động 3 là 0,09 m; nước sông Ô Lâu (Huế) đã vượt mức báo động 3… Trong ngày 4-10, lũ trên các sông này sẽ tiếp tục dâng cao. Hàng chục ngàn hộ dân ở các vùng trũng các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thừa thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… ngập trong nước lũ. Đây là đợt lũ đầu tiên ở miền Trung trong năm 2010. Thừa Thiên-Huế: Lên kế hoạch di dời khoảng 20.000 người dân. Đó là dự tính của tỉnh này với các hộ dân nằm trong vùng ngập nặng, lũ quét, sạt lở. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn cũng kêu gọi người dân vùng lũ dự trữ lương thực, thực phẩm trong thời gian một tuần… Các phường nội thành TP Huế có nơi ngập gần 1 m, giao thông tắc nghẽn, nhiều nơi phải đi lại bằng đò. Hàng chục tuyến đường nội thị TP Huế chìm sâu trong nước lũ khiến giao thông bị chia cắt nghiêm trọng. Ảnh: HÀ LINH - VIẾT LONG Quảng Bình: Một người bị nước lũ cuốn trôi. Chiều 3-10, tỉnh Quảng Bình đã có hơn 1.250 ngôi nhà bị ngập và hư hại. Huyện Hướng Hóa đã di dời 170 hộ với 820 người ở hạ lưu công trình thủy điện Hố Hô. Tại huyện Minh Hóa, vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị chia cắt vì nhiều đoạn bị ngập nước, không đi lại được. Tại huyện Bố Trạch, một người dân bị lũ cuốn trôi. Nghệ An: Ba người chết, 60 ngôi nhà tốc mái. Trong ngày 2 và 3-10, Nghệ An liên tiếp có mưa, giông trên diện rộng đã làm ba người chết, trong đó có hai người bị sét đánh và một nữ sinh lớp 10 bị lũ cuốn. Sáng 3-10, giao thông trên địa bàn TP Vinh bị ách tắc nhiều giờ, quốc lộ 48 (đoạn qua xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) ngập sâu gần 1 m. Hà Tĩnh: Lũ cuốn một chiến sĩ công binh, một cô giáo. Chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp (Đại đội 17 công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) thi công đường hầm trên địa bàn xã Hòa Hải, huyện Hương Khê trên đường về đơn vị đã bị lũ cuốn trôi. Cô Trần Thị Hoa (giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy, Hương Khê) từ nhà đến lớp dạy học cũng bị lũ bất ngờ ập đến cuốn trôi. Đập thủy điện Hố Ô (xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) nước lũ đã tràn qua mặt đập tới 50 cm. Hà Tĩnh đã phát lệnh sơ tán khẩn gần 2.000 hộ dân với 10.000 nhân khẩu trên địa bàn 13 xã của huyện Hương Khê trong đêm 3-10 lên vùng cao. Chống lũ theo cấp độ báo động Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành và các bộ, ngành phải triển khai các phương án chống lũ theo cấp độ báo động. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu để chủ động sơ tán… Ngày 3-10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương có công điện gửi các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận yêu cầu như trên. VŨ TRẦN NHÓM PV

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20101004120648649p0c1015/mien-trung-ngap-chim-trong-lu.htm