Miền Trung: Mưa giảm dần

Ngày 16-11, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã về rốn lũ huyện Quảng Điền thăm hỏi người dân, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại làng Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), người dân phải đi lại bằng ghe, thuyền bởi nước vẫn ngập sâu 0,5 - 1,2 m. Dù người dân nơi đây đã xây nhà cửa cao lên để ứng phó với mùa lũ mỗi năm nhưng lần này vẫn không tránh được sự "tấn công" của nước lũ. Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, thông tin trong đợt lũ này, gần 2.000 nhà dân trong huyện ngập sâu 0,2 - 0,8 m.

Dự báo mất khoảng một tuần, nước lũ mới rút hoàn toàn nên người dân huyện Quảng Điền tranh thủ chèo ghe đi mua thêm thực phẩm dự trữ. Tại TP Huế, nước đang rút dần nên người dân tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.

Phố cổ Bao Vinh (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chìm trong nước. Ảnh: QUANG NHẬT

Theo thống kê, trong đợt này, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 17.345 nhà dân bị ngập, 2 người chết và mất tích, 2 người bị thương. Các địa phương đã sơ tán 3.968 hộ dân với 10.800 nhân khẩu. Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã cắt điện 28% hộ sử dụng trong tỉnh, dự kiến khôi phục 90%-100% vào sáng 17-11.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Mưa lũ đã vượt qua các kịch bản ứng phó mà địa phương xây dựng. Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên cơ sở dự báo lượng mưa của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó. Cụ thể, dự báo từ ngày 12 đến 17-11, tổng lượng mưa tại đây khoảng 250 - 500 mm, có nơi 800 mm. Tuy nhiên, ngày 14-11, lượng mưa đã trên 800 mm.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng giao thông. Sáng sớm 16-11, Tỉnh lộ 628 đoạn qua xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành bị tắc nghẽn cục bộ. Trong khi đó, tại huyện Sơn Hà, mưa lớn và nước lũ đổ về trên sông Tang đã gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền. Tình trạng sạt lở cũng xảy ra ở huyện Ba Tơ, đặc biệt trên Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc khiến nhiều phương tiện lưu thông theo hướng TP Quảng Ngãi đi Kon Tum phải dừng lại.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 cho biết tuyến Quốc lộ 27C nối Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang bị sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến giao thông tê liệt. Trước đó, trưa cùng ngày, tại khu vực đèo Khánh Lê xảy ra sạt lở taluy dương khiến một lượng đất đá khổng lồ đổ xuống mặt đường. Tỉnh này cũng ghi nhận một trường hợp học sinh được nghỉ học nên đã ra khu vực mương nước chơi và không may chết đuối.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 16 đến sáng 17-11, từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm, có nơi trên 250 mm. Dự báo từ trưa và chiều 17-11, mưa lớn ở miền Trung giảm dần.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-mua-giam-dan-20231116224425117.htm