Miền Tây tính lấy cát biển làm đường cao tốc do thiếu cát sông

Thời gian qua, các dự án giao thông lớn trên cả nước bị chậm tiến độ, lý do theo như chủ đầu tư và nhà thầu là thiếu đất, cát cho san lấp mặt bằng và cát cho xây dựng.

Tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ.

Với tốc độ xây dựng cùng lúc hàng loạt công trình giao thông lớn đã, đang và sẽ triển khai tại ĐBSCL làm cho tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng hơn trong nhiều năm tới. Hiện, ĐBSCL đang cần một lượng cát lớn cho các dự án đường bộ cao tốc.

Nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trong năm 2023 và 2024, chủ yếu vẫn là cát sông. (Ảnh: Phạm Giang)

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải quyết các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc (Nghị quyết của Chính phủ: số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021, số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo kết luận: số 46/TB-VPCP ngày 19/02/2022, 304/TB-VPCP ngày 26/9/2022, 336/TB-VPCP ngày 25/10/2022…) đảm bảo nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, không lãng phí, trục lợi.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tiến hành triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoảng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hệ thống giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10 - 25km, độ sâu từ 10 - 30m.

Bộ GTVT cũng đã kịp thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án giao thông tại khu vực ĐBSCL.

“Kết quả thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy, cát biển tại khu vực lấy mẫu có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường. Nhiều thí nghiệm sử dụng cát biển đang được triển khai ngoài hiện trường, trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 5 này, tiến hành quan trắc đến tháng 11, và dự kiến có kết quả đánh giá đẩy đủ vào cuối năm 2023” - Bộ GTVT thông tin.

Khảo sát về nguồn, trữ lượng, các mỏ đang khai thác, hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với trữ lượng còn lại hơn 1,1 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3/năm. Mỏ quy hoạch, hiện có ba vị trí ở hai tỉnh với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỉ m3. Trong đó, một vị trí của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng lớn nhất, 13,9 tỉ m3; còn lại vị trí của tỉnh Trà Vinh với trữ lượng nhỏ, khoảng 2,1 triệu m3.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, ngành giao thông có tính đến phương án sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, để đi đến quyết định sử dụng cát biển làm dự án đường bộ thì cần phải thí nghiệm, đánh giá chặt chẽ. Trước mắt, trong năm 2023 - 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông.

Phạm Giang

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/mien-tay-tinh-lay-cat-bien-lam-duong-cao-toc-do-thieu-cat-song-174862.html