Miền núi Khánh Hòa thoát nghèo bền vững bằng cách nào?

Ngoài nguyên nhân xuất phát điểm còn thấp, rừng núi hiểm trở, chia cắt thì nhận thức của người dân nơi đây cũng còn nhiều hạn chế, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đã trở thành bài toán khó đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan trọng hơn là bà con vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự lực vươn lên.

"Hằng ngày kiếm ăn, lo cho con cái học hành nên không có đủ điều kiện. Sợ thoát nghèo mà không đủ ăn."

"Ở đây có chính sách xuất khẩu lao động, đi xa quá, tôi nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ anh em, nhớ bà con... Cuối cùng là không đi nước ngoài".

"Ở đây, họ không quan trọng việc học hành, chỉ cần là lao động kiếm ăn thôi. Đất cũng cằn cỗi quá, chủ yếu là người dân trồng keo, trồng mỳ, trồng chuối thôi".

Khu tái định cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn

Vừa rồi là những suy nghĩ của người dân miền núi tỉnh Khánh Hòa khi nói về chuyện thoát nghèo. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu tự tin vươn lên của người dân đang là những rào cản lớn trong câu chuyện thoát nghèo tại miền núi tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, với hơn 20 năm dồn sức đầu tư cho miền núi nhưng đến nay vẫn còn nhiều trở ngại.

"Lợi thế của tỉnh là quan tâm từ sớm và thực hiện rất đồng bộ. Quan trọng là tự lực cánh sinh của người thụ hưởng chính sách, điều đó hết sức quan trọng. Muốn vươn lên phải biết nghèo là thiệt thòi, đói là thiếu năng lực, bản thân mình phải xóa bỏ tư tưởng cam chịu thì mới vươn lên được", ông Trần Mạnh Dũng nói.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã có Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên ngân sách đầu tư cho miền núi tăng 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Qua nửa nhiệm kỳ này, tốc độ giảm nghèo bình quân tại miền núi tỉnh Khánh Hòa khoảng 7%/ năm, đạt mục tiêu đề ra.

Các bạn trẻ dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa

Ngày 16/6/2022, Quốc hội có Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, Quốc hội có cơ chế đặc thù cho Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa hy vọng từ nguồn hỗ trợ này sẽ giúp địa phương phát triển mạng lưới giao thông miền núi.

"Có nguồn vốn theo cơ chế Nghị quyết 55 của Quốc hội, tới nay (tháng 11/2023), Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được khoảng 80 tỷ đồng. Chính từ những nguồn vốn này, chúng tôi đầu tư theo đúng mục đích, triển khai vào thực tế, chúng tôi sẽ có điều kiện kiến thiết hạ tầng cơ sở nông thôn, hạ tầng miền núi để ổn định và phát triển dân cư. Đặc biệt là giúp cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cho đồng bào" ông Văn Ngọc Hường chia sẻ.

Sầu riêng của huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa xuất khẩu chính ngạch,

Sau 1 năm ban hành Nghị quyết 55, ngày 20/6/2023, Quốc hội tiếp tục có Nghị quyết số 92/2023 về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, tuyến đường được đầu tư trên địa bàn 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, dài khoảng 56,9km, đường cấp 3 miền núi, rộng 9m với 2 làn xe. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó, có 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, số còn lại do tỉnh Khánh Hòa đảm nhận.

Lâu nay, huyện miền núi Khánh Sơn chỉ thông thương với bên ngoài qua Tỉnh lộ 9 độc đạo, quanh co, hiểm trở. Tuyến đường vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư mở ra niềm hy vọng lớn đối với bà con miền núi. Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn tin tưởng, việc Quốc hội có chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C sẽ tạo điều kiện cho huyện Khánh Sơn bứt phá, thoát nghèo bền vững.

"Hạ tầng giao thông đồng bộ, liên vùng, tất cả các sản phẩm trung chuyển ra cảng biển, cảng hàng không cũng rất gần và giao thông liên vùng với các tỉnh. Nếu Khánh Sơn sớm xây dựng thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, kết nối giao thông liên vùng Khánh Sơn với Khánh Vĩnh, Khánh Sơn với tỉnh Ninh Thuận thì sẽ có những điều kiện bứt phá" ông Đinh Văn Dũng nói.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sông Cầu tại huyện Khánh Vĩnh, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã có các Nghị quyết phát triển du lịch cộng đồng, giúp bà con hội nhập với sự phát triển chung. Trong nhiệm kỳ này, tỉnh Khánh Hòa tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho người dân miền núi.

Thanh niên miền núi vào làm việc tại các Nhà máy ngay trên quê hương

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập của người dân miền núi tăng 1,8 lần so với năm 2020, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Tỉnh cũng khuyến khích việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, tỉnh đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sông Cầu tại huyện Khánh Vĩnh theo hướng đưa nhà máy lên miền núi, tập trung giải quyết việc làm cho bà con.

"Chỉ có con đường thanh niên có việc làm vào các nhà máy thì sẽ góp phần để giải quyết xóa đói, giảm nghèo cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tỉnh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cấp phải có nghĩa vụ đối với người đồng bào, nghĩa vụ đối với tỉnh trong quá trình xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương" ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh tạo việc làm cho lao động miền núi

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 đã xác định phát triển các vùng kinh tế - xã hội theo 3 hướng. Một là, phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh. Hai là, phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm. Ba là, phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) mong muốn tỉnh Khánh Hòa dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững.

Khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả

"Đi khỏi Nha Trang lên Khánh Vĩnh, Khánh Sơn chẳng hạn chúng ta thấy cuộc sống ở đấy còn khó khăn lắm. Cho nên phải thực hiện chiến lược phát triển bao trùm; Tập trung nguồn lực cho những vùng có ưu thế, cạnh tranh tốt nhất, tạo ra tác động lan tỏa cao nhất. Tình cần chú ý dành nguồn lực đáng kể cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào miền núi dân tộc", ông Trương Đình Tuyển nói.

Dự tính kết thúc năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng hơn 10,3% và là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao. Hiện nay, cả 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có mức tăng trưởng khá, từng bước thoát khỏi huyện nghèo.

Mục tiêu của tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030 đang dần trở thành hiện thực. Hành trình vươn lên phát triển toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau tại các huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa cũng đã xuất hiện nhiều điểm sáng.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mien-nui-khanh-hoa-thoat-ngheo-ben-vung-bang-cach-nao-post1062559.vov