Mênh mang hương vị Tết trong homestay của đồng bào Tà Ôi

Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng nhờ vào những nét văn hóa độc đáo vốn có tại địa phương, cùng với những món ăn đặc trưng, đến nay, mô hình homestay ở huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những thành công ngoài mong đợi.

Homestay là mô hình đang được duy trì có hiệu quả ở A Lưới, giúp người dân ở huyện miền núi biên giới này có thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo. Ảnh: Tiêu Dao

Tết trong ngôi làng Tà Ôi

Những ngày Xuân, không chỉ khách du lịch trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài đều muốn trải nghiệm homestay ở A Lưới. Đến đây, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, chạm đến không gian núi rừng với cảm xúc mênh mang hiếm tìm thấy nơi phố thị.

Trong ngôi làng người Tà Ôi ở miền biên viễn, du khách như đắm chìm trong thanh âm du dương dịu nhẹ của những khèn, thanh la, chiêng…, những loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi. Du khách cũng có thể trải nghiệm trong những ngôi nhà dựng bằng tre nứa với những nụ cười hồn hậu, thân thiện của chủ nhân homestay trong chiếc áo may bằng vải zèng, hay những bộ quần áo bằng vỏ cây đặc trưng. Cả không gian như ấm lại khi khách đến quây quần tại khu vực sinh hoạt chung. Trong dã cảnh bếp than hồng rực cùng tiếng khèn dặt dìu, da diết của chủ nhân homestay cũng khiến gió núi ngưng đọng giữa màn đêm đang buông trên bản làng, mênh mang ấm áp.

Tọa lạc giữa thiên nhiên hoang sơ của rừng nguyên sinh A Roàng, Hương Danh là homestay do gia đình 3 thế hệ người Tà Ôi, gồm ông bà, chú thím và vợ chồng anh Viên Đăng Phú, chị A Lăng Thương trực tiếp điều hành. Homestay gồm 2 căn nhà truyền thống người Tà Ôi được cải tạo để đón du khách thích trải nghiệm và khám phá đến với núi rừng A Lưới, xã biên giới A Roàng.

Viên Đăng Phú, hướng dẫn viên du lịch, chủ homestay và cũng là chàng trai giữ đậm văn hóa Tà Ôi nhiệt tình giới thiệu với du khách những thức ăn của rừng, từ những cánh rau độc đáo, những thức thịt nấu theo phong cách ẩm thực Tà Ôi, men rượu lá rừng hay cả những nắm xôi tím của gạo nếp than trên nương kết hợp cùng sắn khoai. Hầu như bữa ăn nào tại homestay của anh cũng đều có các món rau rừng…

“Rau tàu bay giòn có thể xào hoặc luộc chấm; môn thục trộn thịt mỡ nướng trong ống tre ăn thơm nồng; rau dớn ăn giòn, vị chát nhẹ dùng để xào hoặc trộn gỏi; lá trưng cuốn nướng thịt thơm lừng; rau chua dùng để nấu canh cá suối như lá me dưới xuôi…” - Phú nhiệt tình giải thích từng chút một.

Ẩm thực của người Tà Ôi khiến du khách thích thú. Ảnh: Tiêu Dao

Nhiều người đã quen với thức ăn đồng bằng, với những cá thịt đông lạnh hay đồ ăn nhanh đều tấm tắc với những món ăn từ rừng. Đặc biệt, trong những ngày Tết đến, Xuân về, được thưởng thức nhiều món ăn dân dã, lạ miệng và độc đáo của đồng bào Tà Ôi lại càng khiến nhiều người thích thú.

Sắc Xuân trên nẻo biên cương no ấm

Những năm gần đây, mô hình homestay được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển. Qua đó, đã hình thành những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo sinh kế, giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực bản địa. Bây giờ, A Lưới có gần 20 homestay ở các xã Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Thượng, A Roàng, thị trấn A Lưới… Không chỉ là nơi để du khách nghỉ ngơi khi đến thăm thú các điểm du lịch, đến với con suối A Lin, thác A Nôr và nhiều con suối, thác hoang sơ đẹp đến nao lòng giữa núi rừng A Lưới, nơi đây còn là không gian hấp dẫn, đượm nồng, khiến người ta nhẹ nhõm, thư thái, được tiếp thêm năng lượng tràn đầy.

Ông Viên Xuân Linh (chủ một homestay ở xã A Roàng) cho biết, phát triển du lịch cộng đồng không bao giờ là trễ, bởi nhờ vào những nét văn hóa độc đáo vốn có tại địa phương, cùng với những món ăn đặc trưng và con người thích trải nghiệm những điều khác lạ. Nắm bắt được nhu cầu đó, sau thời gian phát triển, đến nay, mô hình homestay ở xã A Roàng thành công ngoài mong đợi.

A Lưới chú trọng khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Tiêu Dao

Những ngày Xuân mơn man trên những cánh rừng miền biên viễn A Lưới, còn gì tuyệt hơn khi bên ánh lửa bập bùng, du khách cùng gia đình quây quần bên mâm cơm với đồ ăn và thức uống mang đậm bản sắc của đồng bào Tà Ôi.

Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những người Tà Ôi làm du lịch như anh Phú, ông Linh luôn cố gắng tìm những vật dụng mang đậm bản sắc của dân tộc Tà Ôi trang trí cho ngôi nhà, tăng cường quảng bá homestay của mình trên mạng xã hội. Anh cũng thường xuyên lên mạng học hỏi, giao lưu, theo học lớp hướng dẫn viên du lịch, lớp truyền dạy văn nghệ dân gian dân tộc Tà Ôi để phát triển homestay.

Nhiệt huyết, sáng tạo, đam mê, nhiều người Tà Ôi đã mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương. Nếu biết cách làm, đưa văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số vào các sản phẩm du lịch, du khách chắc chắn sẽ rất ưa thích và tìm đến trải nghiệm. Thông qua đó, người dân tạo được việc làm và có thu nhập ổn định, góp phần ổn định đời sống. Quan trọng hơn là thông qua việc làm du lịch, bà con được trực tiếp tham gia vào việc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay, ở A Lưới có 2 nghề truyền thống được du khách biết đến và ưa thích là nghề dệt zèng và nghề đan chiếu A Chát của đồng bào Tà Ôi. Việc phát triển du lịch trải nghiệm gắn với các làng nghề tại địa phương đã giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con, đồng thời tạo môi trường du lịch ngày càng phát triển hơn”. Ông Viên Xuân Linh chia sẻ.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/menh-mang-huong-vi-tet-trong-homestay-cua-dong-bao-ta-oi-post472482.html