Mẹ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não: Coi như chị mất con rồi!

Vụ nam sinh lớp 8, Trường THCS Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội bị đánh chấn thương sọ não sau mâu thuẫn ở sân bóng rổ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với chúng tôi, mẹ nam sinh khóc qua điện thoại: Coi như chị mất con rồi!

Đến thời điểm này, các bác sĩ cho biết, cháu bé bị chết não, khả năng hồi phục gần như không còn. Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã có trao đổi với chị N.T.L là mẹ học sinh nói trên. Cuộc trò chuyện của phóng viên thi thoảng lại gián đoạn bởi những tiếng khóc nấc nghẹn của người mẹ.

Suốt cuộc trò chuyện, câu nói: "Sự sống con chị giờ chỉ còn tính bằng giờ. Coi như chị mất con rồi em ơi!" được chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, gây ám ảnh và khiến phóng viên cũng không nén được cảm xúc.

Mẹ nam sinh bị đánh: Sự sống của con tôi chỉ tính bằng giờ.

Đau lòng hơn nữa khi chị cho biết, cách đây 3 năm, bố của N.H.Đ (học sinh bị đánh - PV) bị mất do tai nạn giao thông. Kể từ đó, hàng ngày chị L. phải một mình bươn chải với nghề bán hàng rong, dành dụm số tiền ít ỏi để nuôi con trai ăn học trên Hà Nội, chỉ với mong ước con trai mình sau này sẽ bớt khổ, không giống như bố mẹ ngày xưa.

Nói về điều này, chị L. buồn bã: "Giờ điều đó đã không thể nào thành hiện thực được nữa rồi. Tôi đã cầu nguyện và mong chờ điều kỳ diệu sẽ đến nhưng nó đã quay lưng với con trai tôi".

Nhắc lại sự việc, chị L chia sẻ với phóng viên, từ lúc con trai mình gặp nạn phải chuyển vào BVĐK Đức Giang (Long Biên), sau đó chuyển lên BV 108 và hiện tại đã chuyển về BVĐK tỉnh Phú Thọ, gia đình người hành hung em Đ. chỉ mới đến thăm 1 lần nhưng với thái độ hời hợt.

"Khi nghe tin con bị như vậy, tôi hối hả chạy xe máy đến bệnh viện thì cháu đã hôn mê sâu và đang được cấp cứu.

Nghe mọi người kể lại, khi cháu đang chơi bóng rổ tại sân đình thì xảy ra va chạm với một cháu tên là K. học lớp 6. Sau đó, học sinh này chạy về nhà gọi anh trai học lớp 10 và bố đến. Khi đến nơi, nam sinh lớp 6 và anh trai đã cùng xông vào đánh con tôi liên tiếp vào đầu khiến cháu bị bất tỉnh ngay tại chỗ", chị L. nhớ lại.

Về tình trạng sức khỏe hiện tại của Đ., mẹ nạn nhân cho biết, từ trưa ngày 26/3, gia đình đã chuyển Đ. từ Bệnh viện Quân y 108 về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với mong muốn nếu con có ra đi thì cũng sẽ được gần bên gia đình. Nhà của Đ. cách Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khoảng 40km.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống chiều ngày 27/3, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người đồng hành xuyên suốt với mẹ con nạn nhân trong những ngày qua cũng không giấu được cảm xúc thương xót.

Qua tìm hiểu từ bác sĩ điều trị cho em Đ. tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, luật sư Thơm thông tin, hiện bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục dùng thuốc và hỗ trợ thở máy cho đến khi không thể thích ứng với cơ thể.

"Thời gian với cháu Đ. còn lại là rất ít, chỉ tính bằng từng ngày, từng giờ. Tôi và mọi người đã khóc khi đưa cháu về BVĐK tỉnh Phú Thọ. Bàn tay tôi đã không thể làm ấm đôi bàn tay, chân của con được nữa", luật sư Thơm nói.

Theo luật sư Thơm, về pháp lý để có căn cứ xác định nguyên nhân chấn thương sọ não cần dựa trên kết quả giám định pháp y của các cơ quan chuyên môn về nguyên nhân và cơ chế hình thành vết thương. Khi có kết quả chính thức từ các cơ quan chức năng mới có thể đưa ra những nhận định về mức độ xử lý đối với hành vi nói trên.

Luật sư Thơm cho biết thêm, từ hôm em Đ. được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thì phía gia đình người đánh học sinh cũng đã đến viện và xin được chăm sóc nhưng người nhà nạn nhân không đồng ý vì cho rằng đến hôm nay là đã quá muộn.

Chia sẻ thêm về sự việc, vị này bày tỏ quan điểm: "Theo lý luận định tội danh, nếu xác định đối tượng sử dụng vũ lực đấm liên tiếp vào vùng gáy, đầu dẫn tới chấn thương sọ não nặng sẽ cấu thành tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp, nạn nhân bị lực tác động làm ngã đập đầu xuống nền chấn thương sọ não do bị tác động làm ngã sẽ cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.

Đối với vai trò của người bố, quan điểm của luật sư cần xem xét vai trò đồng phạm bởi những căn cứ: Biết con xảy ra mâu thuẫn nhưng do bênh con đã cùng 2 con đi xe máy đến gặp bé giải quyết. Đáng lẽ ra với việc nhỏ nhặt trẻ em mâu thuẫn thì người bố cần phải hỏi rõ cháu bé sự việc, khuyên giải nhưng đã bỏ mặc để cho 2 con xông vào đánh bé mà không can ngăn.

Nếu người bố có mặt, đứng ngay gần để mặc con xông vào đánh cháu bé thì là người giúp sức, ủng hộ về tinh thần. Nếu không có bố đến cùng thì các con đã không dám đánh bé tàn ác như vậy.

Xét về tương quan lực lượng, bên phía đối tượng có 3 người áp đảo, trong đó đối tượng lớp 10 (có thông tin đang học boxing) trực tiếp đánh bé với kỹ thuật cao, bên phía cháu bé chỉ có 1 mình, hiền lành, lo sợ không dám chống lại hay bỏ chạy nên đã bị đánh chấn thương sọ não. Hành vi của người bố trong trường hợp này cần xem xét với vai trò đồng phạm là có căn cứ".

Mời các bạn theo dõi tiếp:

Trung Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/me-nam-sinh-lop-8-bi-danh-chan-thuong-so-nao-coi-nhu-chi-mat-con-roi-169240327162219836.htm