'MB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới'

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của MB, thượng tướng Lê Hữu Đức, nguyên Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ: 'Tôi tin dưới sự điều hành của người đứng đầu là anh Lưu Trung Thái, MB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới'.

Sáng 25/4/2023, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Đại hội đã thông qua nhiều kế hoạch quan trọng, trong đó có nhân sự, tăng vốn và tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

"MB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”

Nhân sự cấp cao của MB là một trong những thông tin được cổ đông quan tâm nhất tại ĐHĐCĐ năm 2023.

ĐHĐCĐ MB đồng ý miễn nhiệm thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ 2019-2024 đối với ông Lê Hữu Đức và số lượng thành viên HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là 10 thành viên.

Trước đó, Thượng tướng Lê Hữu Đức xin từ nhiệm trước thời hạn theo nguyện vọng cá nhân. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB trở thành Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Hữu Đức, ông Phạm Như Ánh được giao chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, nguyên Chủ tịch HĐQT MB tin tưởng MB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới dưới sự dẫn dắt của ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh. Ảnh: Hoàng Tú

Tại ĐHĐCĐ, ông Lưu Trung Thái cho biết ông Lê Hữu Đức trở thành người đứng đầu MB từ tháng 4/2011. Bằng tâm huyết, trí tuệ, ông dùng hết năng lượng, dành hơn 1/3 cuộc đời mình đưa MB trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Lê Hữu Đức đánh giá ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh là những cán bộ được đào tạo bài bản, có đức, có tài, có năng lực và đã trải qua nhiều chức vụ ở Tập đoàn. Ở cương vị nào, hai lãnh đạo MB đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Tôi tin dưới sự điều hành của người đứng đầu là anh Lưu Trung Thái, MB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Lê Hữu Đức tin tưởng.

Cổ đông chúc mừng và tin tưởng ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh ở các cương vị mới, đồng thời kỳ vọng MB sẽ dành thêm nhiều quyền lợi hơn nữa cho cổ đông.

Tăng vốn điều lệ lên 54.363 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt

ĐHĐCĐ đã thông quá kế hoạch tăng vốn lên 54.363 tỷ đồng như tờ trình trước đó của MB.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, vốn điều lệ của MB là 45.340 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng lên là 9.023 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc triển khai tăng vốn điều lệ mới năm 2023 là 7.481 tỷ đồng (tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức) và 1.542 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCD thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Kế hoạch sử dụng vốn tăng thêm là dành 7.088 tỷ đồng đầu tư tăng năng lực (bao gồm việc đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông đầu tư trụ sở của MB ở khu vực TP.HCM, các khu vực, địa bàn trọng điểm và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng) và 1.935 tỷ đồng vốn đầu tư kinh doanh khác.

Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

Cổ đông đánh giá ngân hàng rất thành công

Tại ĐHĐCĐ năm 2023, Ban kiểm soát MB cho biết lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn năm 2022 là 22.729 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch cả năm 2022, tăng 37,5% so với năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng năm 2022 đạt 20.318 tỷ đồng vượt 17,4% kế hoạch cả năm, tăng 41,1% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của các công ty thành viên đạt 2.734 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước, đóng góp 12% lợi nhuận tập đoàn.

Cổ đông đánh giá ngân hàng đã rất thành công. Ảnh: Hoàng Tú

Các chỉ tiêu về quy mô có sự tăng trưởng tốt so với năm 2021. Tăng trưởng tổng tài sản và huy động vốn lần lượt đạt 20% và 16,8% so với năm 2021. Quy mô tín dụng tăng 25% so với năm trước. Trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng MB đạt 25,4% so với năm 2021.

Các chỉ tiêu an toàn hoạt động được kiểm soát tốt, phù hợp với yêu cầu quản trị nội bộ và tuân thủ các quy định pháp luật.

Đồng thời, MB trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 15% so với năm 2022, đạt 26.138 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 14%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%. Ngân hàng cũng dự kiến trong sau (2024) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10-15%.

Cổ đông đánh giá ngân hàng đã rất thành công. Ông hy vọng MB sẽ thành công tốt hơn nữa để cổ đông thực sự phấn khởi trong các năm tiếp theo.

Tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

MB cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại.

Với nguồn lực chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án này, qua đó tận dụng hiệu quả các lợi thế hỗ trợ để tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu Chiến lược.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh cho biết MB đang làm thủ tục định giá ngân hàng được chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình, thời gian định giá khoảng 11 tháng. Công việc này bắt đầu từ tháng 3/2023). Dự kiến tới cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 mới hoàn thành việc định giá, từ đó mới nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc.

Vân Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mb-se-phat-trien-manh-me-hon-trong-thoi-gian-toi-post245148.html