Máy bay vận tải An-124 Ruslan Nga sẽ nhận động cơ nội địa mạnh vượt trội

Khi hiện đại hóa máy bay vận tải quân sự mạnh nhất thế giới, phía Nga dự kiến lắp đặt động cơ PD-35 nội địa mạnh nhất.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) đã kêu gọi tăng gấp đôi số lượng máy bay vận tải An-124-100 Ruslan bởi hiện tại có cơ hội hiện đại hóa chúng.

Ông Shoigu nhấn mạnh “Đến năm 2025, chúng ta phải tăng gấp đôi số lượng An-124 do thực tế là đã có động cơ, vì vậy Nga đủ khả năng để hiện đại hóa những chiếc máy bay này”.

Ruslans được thiết kế và sản xuất tại Liên Xô bởi tổ hợp Antonov. Ban đầu chúng được trang bị động cơ D-18T do công ty Motor Sich của Ukraine sản xuất. Cả máy bay và động cơ đều rất đáng tin cậy khi chúng đã hoạt động trong nhiều thập kỷ mà không gặp vấn đề gì.

Trở lại những năm 1980, Liên Xô đã lên kế hoạch để những chiếc Ruslan với nhiều sửa đổi khác nhau sẽ được lắp ráp tại nhà máy Ulyanovsk Aviastar, nơi sẽ trở thành cơ sở chế tạo chính.

Ngày 30/10/1985, chuyến bay đầu tiên của chiếc An-124 Ruslan đã diễn ra. Đáng ngạc nhiên là khi đó nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh của Ruslan là quá mức và nó sẽ gây ra gánh nặng cho ngành hàng không vận tải quân sự.

Không quân Liên Xô mất hứng thú với chiếc phi cơ này. Việc sản xuất máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới diễn ra có phần bấp bênh.

Tuy nhiên từ năm 1985 đến năm 2004, 36 chiếc An-124 đã được lắp ráp tại Ulyanovsk. Sau đó việc chế tạo bị ngừng. Các chuyên gia của Aviastar kể từ đó chỉ tham gia vào việc sửa chữa và bảo trì Ruslan.

Động cơ phản lực cánh quạt hạng nặng PD-35 của Nga có thể thổi sức sống mới vào Ruslan khi cung cấp lực đẩy 33 đến 40 tấn. Để so sánh, thông số của D-18T chỉ từ 18 đến 20 tấn. Theo đại diện UAC, việc sản xuất PD-35 có thể bắt đầu trong thời gian tới.

Bây giờ chúng ta cần nói thêm về bản thân chiếc máy bay, An-124 Ruslan là vận tải cơ hạng nặng tầm xa sử dụng động cơ phản lực, nó có kích thước đồ sộ hàng đầu thế giới.

An-124 được thiết kế để đưa binh sĩ với thiết bị quân sự và vũ khí từ hậu phương đến các địa điểm hoạt động, tăng cường lực lượng tấn công đường không thông qua vũ khí hạng nặng và vận chuyển hàng hóa cồng kềnh.

Một đặc điểm nổi bật của những chiếc Ruslan hiện đại hóa chính là sự hiện diện của tổ hợp phòng thủ đặc biệt, chống tên lửa phòng không dùng đầu dẫn đường radar và quang - điện tử.

Ngoài ra thông qua các giải pháp thiết kế và lớp phủ đặc biệt, An-124 Ruslan sẽ giảm đáng kể tín hiệu phản xạ radar, âm thanh, quang học và vô tuyến, khiến nó khó bị phát hiện hơn trên bầu trời.

Các đặc tính kỹ thuật của An-124 rất ấn tượng. Khoang chở hàng của Ruslan được điều áp và có chiều dài 36,5 mét, chiều rộng 6,4 mét, chiều cao 4,4 mét, thể tích hơn 1.000 mét khối.

Ruslan cung cấp khả năng vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng lên tới 120 tấn, thả dù hàng hóa nặng 100 tấn trên các bệ đặc biệt. Sàn khoang chở hàng làm bằng hợp kim titan cho phép chất các loại xe cả bánh hơi và bánh xích với tải trọng trục lên tới 12 tấn.

Hệ thống con lăn cho phép bốc dỡ hàng hóa nguyên khối nặng tới 50 tấn. Việc sử dụng bộ tăng áp giúp mang theo 88 hành khách ở độ cao lên tới 8.000 mét mà không cần sử dụng thiết bị hỗ trợ oxy.

Để phát huy hết khả năng của máy bay, nó cần một đường băng bê tông dài hơn 3.000 mét, nhưng nếu cần, Ruslan có khả năng hạ cánh và cất cánh ngay cả từ những sân bay dã chiến không trải nhựa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/may-bay-van-tai-an-124-ruslan-nga-se-nhan-dong-co-noi-dia-manh-vuot-troi-post554501.antd