Máy ấp trứng tự động: Sản phẩm hữu hiệu cho người chăn nuôi

Kết hợp những kiến thức học được ở trường với những thông tin tìm tòi từ sách báo và Internet, anh Phạm Văn Linh, người Quảng Nam, đã chế tạo được mô hình máy ấp trứng đầu tiên.

Đến thôn Tiên Xuân 2 (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), hỏi cơ sở sản xuất máy ấp trứng tự động của anh Phạm Văn Linh, ai cũng biết.

Những ngày này, anh Linh đi đi về về như con thoi; một tay anh vừa lo việc bỏ mối máy ấp trứng tự động cho khách, vừa cơi nới nhà xưởng, đăng ký thương hiệu, chuẩn bị thủ tục thành lập công ty.

Đằng sau sự bận rộn đó là cả một hành trình khởi nghiệp đầy táo bạo của chàng thanh niên xứ Quảng. Theo anh Linh chia sẻ, ý tưởng về chiếc máy ấp trứng tự động đến rất tình cờ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Linh xin vào làm việc cho một doanh nghiệp gần nhà. Ngoài giờ làm, anh phụ giúp gia đình chăm lo đàn gà.

Trong những lần đi mua gà giống, anh nhận thấy giá một con giống dao động khoảng 20.000 đồng trong khi giá trứng gà chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/quả. Anh tính toán, nếu như có sẵn máy ấp tại nhà thì sẽ tiết kiệm được chi phí mua con giống, việc nuôi gà sẽ sinh lợi hơn.

Nghĩ là làm, anh tính tới việc tự tay chế tạo một chiếc máy ấp trứng tự động cho gia đình sử dụng.

Anh Phạm Văn Linh bên những chiếc máy ấp trứng tự động do mình chế tạo. Ảnh: Đoàn Lê.

Ý tưởng đã có, thế nhưng việc thực hiện thì không dễ chút nào. Kết hợp những kiến thức học được ở trường với những thông tin tìm tòi từ sách báo và Internet, Linh chế tạo được mô hình máy ấp trứng đầu tiên. Thế nhưng những lần thử nghiệm ban đầu vẫn chưa đem lại kết quả như anh mong muốn. Tỉ lệ gà con nở ra khá thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Không nản chí, anh tập trung khắc phục sai sót của sản phẩm. Suốt một thời gian dài, anh cặm cụi đo đạc, ghi nhận số liệu môi trường và tìm mua linh kiện gia công chất lượng. Cuối cùng, chiếc máy ấp trứng tự động với tỉ lệ nở đạt 90% đã chính thức ra đời vào cuối năm 2015.

“Thời điểm đó, mình vừa đi làm vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chế tạo máy ấp. Tiền bạc dành dụm được đều dành hết cả cho việc chế tạo. Mỗi lần thử nghiệm không thành công thì nản lắm”, Linh chia sẻ về những lần chế tạo “thất bại” trong quá khứ và lấy đó làm động lực để tiếp tục học hỏi, cải tiến sản phẩm của mình ngày càng tốt hơn.

Từ ngày có máy ấp trứng tự động, việc lấy nguồn gà giống của gia đình Linh trở nên thuận lợi và chủ động hơn. Thay vì lấy gà giống những nơi khác, anh bắt đầu bán gà giống cho những đại lý, cơ sở chăn nuôi trong vùng.

Việc buôn bán trên đà thuận lợi, chiếc máy ấp trứng của anh được biết đến nhiều hơn. Khi nhận thấy thị trường đang có nhu cầu dùng máy ấp, anh quyết định mở rộng hướng kinh doanh từ chính sản phẩm tâm huyết của mình.

Bên cạnh nguồn thu từ việc cung ứng máy ấp trứng, anh Linh còn tự ấp trứng để cung cấp gà giống cho những nơi khác. Ảnh: Đoàn Lê.

Bắt đầu con đường khởi nghiệp, anh bỏ vốn đầu tư sản xuất, mua linh kiện, hoàn thiện máy móc cả về ngoại hình lẫn hoạt động trước khi bán ra thị trường. Tại cơ sở của mình, Linh chế tạo nhiều kiểu máy ấp trứng khác nhau với giá thành dao động từ 850,000 đồng đến 6,5 triệu đồng tùy kiểu máy. Máy cỡ nhỏ nhất có thể ấp 54 quả trứng cùng lúc, trong khi đó kiểu máy lớn có thể ấp được 480 quả.

Tính trung bình mỗi tháng, anh xuất xưởng được khoảng 10 chiếc máy ấp.

Những chiếc máy ấp trứng tự động của Linh có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài, lại phù hợp với nhiều quy mô chăn nuôi nên nhận được sự ủng hộ tích cực từ thị trường. Máy được Linh gia công chắc chắn, bảo đảm hoạt động ổn định trước khi giao cho khách.

Anh cũng hỗ trợ khách hàng khắc phục sự cố kỹ thuật nếu có trục trặc xảy ra. Theo anh, một chiếc máy ấp trứng tốt phải vận hành ổn định ở hiệu suất cao nhất, đồng thời phải dễ sử dụng với tất cả mọi người. Nguồn linh kiện của máy cũng dễ tìm, dễ thay thế khi cần.

Hiện tại, Linh đã có 5 đại lý đặt tại các huyện, thành phố,… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có một lượng khách hàng ổn định cả trong và ngoài tỉnh.

Từ đất Quảng, chiếc máy ấp trứng tự động của anh đã có mặt ở nhiều tỉnh thành tại khu vực miền Trung. Buôn bán có lãi, anh mua thêm thiết bị, nâng cấp nhà xưởng để mở rộng quy mô kinh doanh.

“Khởi nghiệp không đơn thuần là mở một công ty rồi kinh doanh với những mục tiêu to lớn; cá nhân mình cho rằng đó là thành quả của kiến thức học được, sự chăm chỉ, niềm đam mê và sự “liều lĩnh”. Ai cũng có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp nếu có được những điều này” – Anh Phạm Văn Linh chia sẻ.

Đoàn Lê

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/may-ap-trung-tu-dong-san-pham-huu-hieu-cho-nguoi-chan-nuoi-c7a539817.html