Màu xanh dưới chân đồi Động Tri

Mỗi khi nghe lại giai điệu: 'Bộ đội giải phóng quân ơi/ Anh thắng trận miền Tây Khe Sanh/ Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy/ Đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy…' ai cũng nhớ về Động Tri, miền Tây Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị - chiến trường khốc liệt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ trong đổ nát hoang tàn, giờ đây cuộc sống của người dân dưới chân đồi Động Tri đang từng ngày được đổi sắc, khoác lên mình một màu xanh no ấm.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang mới dựng nhờ “thắng” liền mấy vụ cà phê, già làng Hồ Thanh Tam hể hả, kể: 19 tuổi ông đã tham gia Cách mạng, làm giao liên, tiếp lương tải đạn cho bộ đội. Ông nhanh như con sóc rừng, chắc như hòn đá cuội, đủ sức để vượt qua mọi ác liệt của đạn bom cũng như khó khăn, thử thách trong cuộc sống để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, ông luôn nhận được sự mến yêu của đồng đội và sự tin tưởng của cấp trên.

Sau ngày giải phóng, ông Hồ Thanh Tam được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân, rồi Phó Trưởng Công an huyện, tiếp đến là Phó Trưởng ban Kiểm tra Huyện ủy Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sau khi nghỉ hưu, ông được bà con dân bản tín nhiệm tôn vinh làm già làng. Về với đời thường, ông không những là một Đảng viên mẫu mực trong cuộc sống, một già làng có uy tín, mà còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương nên luôn được bà con dân bản tin yêu và mến phục.

Hướng Tân là xã mới được thành lập từ năm 1972 sau khi tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Địa giới hành chính được tách ra từ các xã Hướng Thọ, Hướng An, Hướng Trung, Hướng Mỹ và Hướng Phùng. Lúc bấy giờ, cả vùng này vẫn còn khét lẹt mùi khói đạn và đổ nát, hoang tàn. Nhưng với quyết tâm vượt khó đi lên như từng vượt qua mưa bom bão đạn trong những năm chiến tranh, bà con Vân Kiều ở đây đã cùng với bộ đội, dân quân tự vệ ngày đêm khai hoang phục hóa, nhằm bảo đảm cái ăn và ổn định định canh định cư.

Điều quan ngại lớn nhất lúc bấy giờ không phải khó khăn, thiếu thốn, mà là bom mìn và các vật liệu nổ của chiến tranh còn lại quá nhiều. Nhiều đến mức, cứ đi vài bước chân là thấy bom đạn lộ thiên. Thế nhưng không khó khăn nào cản trở được ý chí và quyết tâm của người dân nơi đây khi họ đã đồng lòng, chung sức. Thế rồi khổ cực cũng theo ngày tháng qua đi. Giờ đây, đời sống người dân đã từng bước khởi sắc, cơ bản xóa được hộ đói, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 45% và đang từng bước vươn lên làm giàu.

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân Võ Công Khánh cho biết, là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, nên Hướng Tân luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là được hưởng Chính sách 135, 134 của Chính phủ trước đây, nay là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, cuộc sống của người dân xã Hướng Tân nói riêng và miền Tây Khe Sanh nói chung đổi thay đáng kể.

Điều đặc biệt đáng ghi nhận đối với bà con Vân Kiều nơi đây là đã xóa bỏ tập quán quãng canh theo lối “phát, cốt, đốt, trỉa; chọc lỗ bỏ hạt”. Bà con giờ đây đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, nhờ vậy hạt bắp làm ra to hơn, năng suất cây cà phê cũng nhiều hơn và chất lượng cũng tốt hơn.

Với diện tích 470ha cây cà phê thâm canh, mỗi năm Hướng Tân thu về tổng sản lượng là 1.100 tấn quả. Khác với Tây Nguyên, cây cà phê trồng ở Hướng Hóa không phải tưới nước, bởi trong lòng đất đỏ bazan không chỉ có nước, mà còn có cả mùi hương. Có lẽ vì vậy mà chất lượng cà phê ở đây khó nơi nào sánh được - đặc biệt là cà phê chè. Chẳng vậy mà cà phê ở đây sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu bởi những khách hàng sành điệu và khó tính ở các nước châu Âu. Cũng chính nhờ cà phê mà con đường đến lớp của các em nhỏ người Vân Kiều ngắn lại, rộng thêm và bằng phẳng hơn. Rồi những trường học, trạm xá, cột ăng ten cao vút, những mái nhà ngói đỏ nhiều thêm và đặc biệt là không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Chất lượng cà phê ở Hướng Hóa khó nơi nào sánh được, nhất là cà phê chè

Hướng Tân giờ đây không chỉ có cây cà phê, cây ngô và các loại cây ngắn ngày khác, mà cây lúa nước cũng đang được phát triển mạnh với 131ha nhờ dân di cư đến từ các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Nhờ vậy mà Hướng Tân đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực trên địa bàn. Nếu như trước đây, cứ đến mùa giáp hạt, người dân xã Hướng Tân lại nơm nớp lo âu và chờ đợi trợ cấp của Nhà nước, thì bây giờ sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại phải tính toán để đầu tư cho tái sản xuất, đầu tư cho khoa học - kỹ thuật, mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh... Sản xuất phát triển, đời sống ổn định, dân trí cải thiện, cơ sở hạ tầng của xã đạt trên 70% kiên cố hóa, đặc biệt là trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia.

Đi giữa những rẫy cà phê chín đỏ đang đến ngày thu hoạch, anh Võ Khánh Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, một trong hai xã nằm dưới chân đồi Động Tri, chỉ tay về phía những trụ phong điện đang lừng lững với cánh quạt khổng lồ chậm chậm quay, nói với chúng tôi: “Hướng Linh là xã duy nhất trong tỉnh Quảng Trị có nhiều dự án lớn được đầu tư, như Thủy điện Quảng Trị; Thủy điện Khe Nghi, điện gió Hướng Linh 1; Hướng Linh 2 đã đi vào hoạt động và đã trồng thử nghiệm thành công 2ha cây sa chi… Những dự án này không chỉ góp phần giúp huyện phát triển về nhiều mặt mà còn giúp người dân địa phương phần nào nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”. Hướng Linh cũng là nơi có thế mạnh để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc.

Mặc dù đã xóa hết hộ đói, nhưng số hộ nghèo ở Hướng Linh vẫn còn khá cao với 47%. Đây chính là điều trăn trở, lo toan không chỉ của lãnh đạo địa phương mà của cả người dân nơi đây khi họ hiểu rằng mình đang sống và lao động ngay trên mảnh đất giàu truyền thống Cách mạng này. Đây chính là động lực để thúc đẩy người dân vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình. Từ trăn trở, lo toan sẽ tạo nên sức mạnh để trở thành hiện thực, đây là ý chí, là quyết tâm của Đẩng bộ và Nhân dân hai xã Hướng Tân, Hương Linh trên con đường xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Đang miên man trong câu chuyện làm giàu, bất giác tôi nhìn lên những trụ phong điện và những rẫy cà phê đang chín đỏ trải rộng dưới chân đồi Động Tri và thầm nghĩ, đây chính là hướng đi, là màu xanh của no ấm đang lan tỏa dưới chân đồi Động Tri.

Bài và ảnh: Phan Sáu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/mau-xanh-duoi-chan-doi-dong-tri-i326081/