Mẫu thiêng liêng nhưng không phải để 'bốc đồng'

Tiếp nối truyền thống nhiều đời của gia đình, mấy chục năm nay, ông Trần Vũ Toán chuyên tâm với việc làm Thủ nhang Phủ Nguyệt Du Cung, thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy ở Nam Định-một trong những trung tâm, gắn liền với “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

PV: Là người thực hành tín ngưỡng đã nhiều năm, ông có thể giải thích một cách dễ hiểu “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” là gì? Xuất phát từ đâu tục “hầu đồng” lại gắn liền với tín ngưỡng này?

Thủ nhang Trần Vũ Toán: Thờ Mẫu Tam phủ, được hiểu là 3 thế giới tâm linh, gồm “trời”, “đất” và “nước”, không phải Tam phủ là Mẫu đệ nhất, Mẫu đệ nhị, Mẫu đệ tam như một số người vẫn hiểu lâu nay. Sau này, qua quá trình phát triển của tín ngưỡng có thêm “nhạc phủ”, tức là vùng rừng núi nên được gọi là thờ Mẫu Tứ phủ.

Về xuất xứ của tục “hầu đồng”, nếu giải thích cặn kỹ sẽ rất dài. Nhưng có thể nói ngắn gọn thế này: Mẫu vốn là người trời giáng xuống, khi mẫu hóa, trở lại về trời thì những nơi ở trần gian Mẫu từng hóa thân, đi qua trở thành những nơi nhân quần, tụ hội, rồi sinh ra tục “hầu đồng” hay còn gọi “hầu bóng”, được hiểu làmột hình thức diễn xướng tâm linh, qua đó dân gian tái hiện, tưởng nhớ, ngợi ca Thánh Mẫu, ngợi ca những người Mẫu đã hóa thân, thường là những nhân thần có công với dân, với nước...

Thưa ông, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người ta đến điều gì?

- Nói một cách đơn giản, dễ hiểu thì ai trong chúng ta cũng có mẹ. Mẹ chính là người sinh ra, nuôi dưỡng cả thể chất lẫn tâm hồn chúng ta. Mà, Mẫu Liễu Hạnh, như đã nói, là một vị thần chủ, đại diện cho tất cả các bà mẹ. Thờ Mẫu (mẹ) là thờ một biểu tượng vô cùng thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi với bất cứ ai, thể hiện lòng biết ơn nguồn cội, biết ơn nhười đã sinh thành, dưỡng dục. Cũng cần nói thêm, mẹ hay cha chính là Phật ở ngay trong nhà. Khi mẹ cha còn sống không lo báo hiếu, khi cha mẹ mất đi không lo phụng thờ, để “hương tàn, khói lạnh” thì nếu có đi đền chùa để lễ lạt, cầu cúng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ở nghĩa đó, tín ngưỡng thờ Mẫu rất gần gũi, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Việt, là tín ngưỡng thuần Việt...

Phục vụ nhiều người đến Phủ thực hành tín ngưỡng, ông thấy việc thực hành của họ có chuẩn mực theo những giá trị tín ngưỡng hướng tới hay không, có điều gì khiến ông phải băn khoăn? Và theo ông, để gìn giữ, phát huy được giá trị của tín ngưỡng giờ đây đã trở thành di sản,những cộng đồng gắn liền với tín ngưỡng như ở Phủ Dầy cần phải làm gì? Cả về phía chính quyền địa phương nữa, thưa ông?

- Một trong những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu là tính thuần Việt. Do vậy, theo tôi, một trong những điều các cá nhân, cộng đồng gắn liền với tín ngưỡng phải làm đó là giữ gìn để tín ngưỡng không bị pha tạp, lai căng. Ngay cả những lời hát văn cũng phải giữ cho được những lời văn gốc. Không phải ai trong số những “tân đồng” và những cung văn mới vào nghề cũng biết và hiểu được những lời văn gốc. Thực tế có việc để “nịnh đồng”, muốn đồng cho nhiều lộc hơn, một số ít cung văn thường nghĩ cách làm cho giá đồng thêm “nhộn”, trong đó có việc “chế tác” lời mới cho bài văn nhưng chẳng ăn nhập gì.

Có lần ở Phủ Nguyệt Du Cung, chúng tôi đã phải mời một cung văn ra ngoài để “chấn chỉnh”. Lý do là người này khi hát phục vụ đồng đã thản nhiên hát “Nhà nước vẫn còn xổ số thì chúng con vẫn chơi lô đề”. Lời hát trong những giá đồng thường là những lời hát ca ngợi Thánh Mẫu, ca ngợi những nhân thần có công với dân, với nước, trước điện thánh uy nghiêm anh không thể tùy tiện xuyên tạc, xấc xược như vậy được!

Rồi nữa, bây giờ tín ngưỡng được nhiều người biết đến hơn, các hoạt động tổ chức hầu thánh, hầu đồng cũng được tổ chức nhiều hơn. Từ đây bắt đầu xuất hiện sự xô bồ. Ta có thể đưa hầu đồng lên sân khấu, lên truyền hình để trình diễn như một cách thức để giới thiệu quảng bá tín ngưỡng. Nhưng đã “bắc ghế hầu thánh” thì việc này phải được tổ chức trong không gian của tín ngưỡng, tức là trong không gian các đền phủ. Không thể hầu thánh mà lại đưa ra các nhà hàng để tổ chức hầu đồng được, rất phản cảm, phản tín ngưỡng.

Cũng cần phải nói thêm, thực hành tín ngưỡng là việc làm cả đời không hết, cần sự thực tâm khi đến với Thánh. Có người sẵn sàng bỏ tiền, cả trăm triệu đồng để tổ chức những giá đồng, mua vui nơi đền phủ. Sau những lần “bốc đồng” như vậy lâm cảnh nợ nần, gia cảnh lục đục, quay sang oán thán, đổ lỗi cho Mẫu. Như vậy là không nên. Nếu thực tâm, chỉ với vài quả quýt cũng có thể ngồi hầu Thánh, hầu đồng cả buổi. Đó là chưa kể, khi “thăng hoa”, nhiều thanh đồng thường tung, ném tiền vung vãi. Đồng tiền có in hình Quốc huy, hình lãnh tụ, là biểu tượng của quốc gia thì cần phải có sự trân trọng trong ứng xử.

Chúng tôi có mấy đề nghị, mong muốn. Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được thế giới tôn vinh, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người, cả người nước ngoài tìm đến những trung tâm của tín ngưỡng như Quần thể di tích Phủ Dầy đây để tìm hiểu, thực hành tín ngưỡng. Chính vì vậy, chính quyền cần có sự quan tâm đầu tư làm quy hoạch, mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng, nâng cấp chất lượng các dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách thập phương. Với điều kiện hạ tầng như bây giờ là rất chật hẹp. Thêm nữa, nhà nước cần đào tạo, bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong quần thể di tích để giới thiệu cho du khách, nhất là khách nước ngoài biết được di tích thờ ai, thuộc tín ngưỡng gì, ý nghĩa, giá trị của của tín ngưỡng ra sao? Việc này lâu naynhà đền chúng tôi có làm nhưng như đã biết, việc chính của nhà đền là lo “dầu đèn”, không thể làm tốt việc này được, cần có sự chuyên nghiệp...

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Duy Hưng (thực hiện)

Từ khóa

mẫu thiêng liêng bốc đồng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/mau-thieng-lieng-nhung-khong-phai-de-boc-dong/355216