Máu đổ cho những cánh rừng xanh tươi mãi mãi

Tổ công tác phát hiện một đối tượng dùng cưa xăng khai thác gỗ trên tuyến Rào Vền. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo, lực lượng kiểm lâm lên kế hoạch vây bắt, tuy nhiên khi tiếp cận hiện trường, đối tượng liên tục dùng cưa xăng tấn công kiểm lâm...

Anh Sơn cùng đồng đội tịch thu lâm sản khai thác trái phép

Nhịn đói, ăn lá rừng, đắp... ni lông ngủ giữa trời đông giá rét hay những cuộc chiến “giáp lá cà” với lâm tặc đến đổ máu là khó khăn hàng ngày lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang phải vượt qua để bảo vệ “tấm lá chắn” rừng biên giới các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh).

Đổ máu

Gần 6 năm công tác tại VQG Vũ Quang, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động Dương Văn Nhàn (SN 1982) có lẽ là người trẻ tuổi nhất nhưng kinh qua nhiều vị trí công tác nhất. Từ trạm Sao La đến Hòa Hải, Hương Đại, Cò..., ở mỗi vị trí công tác anh đều được lãnh đạo Vườn ghi nhận, đánh giá cao với tinh thần, nhiệt huyết yêu nghề có một không hai.

Anh sinh ra lớn lên ở TP Hà Tĩnh, 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, mặc dù có đi thực tế núi rừng nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn ngày nhận nhiệm vụ khác xa một trời một vực, nếu không muốn nói là “tỉnh mộng”.

Tất nhiên, ngay từ ngày đầu nhập cuộc anh đã xác định sinh nghề, tử nghiệp, vì miếng cơm manh áo, vì trách nhiệm của một người kiểm lâm, dù khó khăn đến đâu cũng phải “vững dạ bền chí”, bám trụ tới cùng.

Anh Nhàn và đồng đội có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học cho 56.927 ha rừng ở 48 tiểu khu thuộc 3 huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Mỗi chuyến tuần tra rừng phải trèo đèo, lội suối hàng tuần trời nhưng vì lương tâm nghề nghiệp các anh chẳng màng đến thân mình.

Anh Dương Văn Nhàn kể lại trận “giáp lá cà” với lâm tặc

Đặc thù của VQG Vũ Quang không chỉ diện tích lớn, trải dài dọc tuyến biên giới Việt - Lào dài 62 km, mà còn có nhiều đường tiểu mạch hiểm trở với độ cao lên đến hơn 2.000m so với mực nước biển. Những cái tên Dốc Dẻ, Dốc Gụ, Hang Khái mà xưa chỉ có... khái (hổ - PV) mới đặt chân đến, hay vực Hòm với hai vách đá dựng đứng, bên dưới thác nước gầm gừ như muốn nuốt chửng bất cứ thứ gì đi qua đây thì nay in hằn dấu chân của lực lượng BVR.

Thậm chí để vượt qua tuyến Sa Vách, anh em phải nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia chẳng khác gì loài khỉ, cũng có những người vì chuyến đi dài ngày, sức yếu, mỏi gối chùn chân không vượt qua được “chướng ngại vật” rơi xuống vực, xuống suối.

“Tháng 4/2015 một đoàn công tác 6 người đi tuần tra tuyến khe Rào Rồng, lúc đi lên ai cũng đang sung sức nên thượng lộ bình an. Đến khi trở về, anh em đều thấm mệt cả, khi nhảy qua một hòn đá, anh Nguyễn Tuấn Anh, lúc đó mới vào nghề chưa có kinh nghiệm rơi xuống suối, nước cuốn trôi hơn 15m. Sau nhờ sự hỗ trợ của đồng đội anh Tuấn Anh được cứu vào bờ an toàn”, anh Nhàn chia sẻ.

Câu chuyện tiếp tục với những chuyến đi nhịn đói, ăn lá rừng, đắp chăn... ni lông ngủ giữa trời đông giá rét. Có lần đoàn gồm 8 người đi tuần tra tiểu khu 198-2004 giáp khu vực biên giới Việt - Lào, ngày đầu xuất phát thời tiết thuận lợi nhưng đến giữa đường những trận mưa giông liên tục đổ xuống, anh em phải chặt lá tro dựng lều trú ẩn. Đêm đến mưa càng ngày càng lớn, lửa không thể nhóm để nấu ăn, đành phải chống đói bằng lương khô dự trữ.

“Khi mắc võng ngủ người choàng ni lông, người phủ lá cọ nhưng cuối cùng vẫn ướt như chuột, chỉ mong trời sáng để quay về. Sau chuyến đi ấy có tới mấy người ốm lăn ốm lóc”, anh Vương Khả Sơn, Trưởng bộ phận Thanh tra pháp chế (VQG Vũ Quang) - một trong những người tham gia chuyến đi trên nhớ lại.

Ngồi bên cạnh, anh Nhàn tiếp lời: “Nói thật mỗi lần đi tuần tra chúng tôi sợ lắm bởi thú giữ, cọp beo, lũ ống, lũ quét có thể xảy đến bất cứ lúc nào”.

Phút nghỉ chân của cán bộ, kiểm lâm viên trong chuyến tuần tra

Từ những chuyến tuần tra rừng tại gốc trên, lực lượng kiểm lâm VQG Vũ Quang không ít lần phải đổ máu vì sự chống trả quyết liệt, hung hãn của lâm tặc. Trong một lần đi tuần tra, tổ công tác phát hiện một đối tượng dùng cưa xăng khai thác gỗ trên tuyến Rào Vền.

Mặc dù ra sức vận động giao nộp tang vật nhưng đối tượng không chất hành. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo, lực lượng kiểm lâm lên kế hoạch vây bắt, tuy nhiên khi tiếp cận hiện trường, đối tượng liên tục dùng cưa xăng tấn công kiểm lâm.

“Lúc đó dù biết nguy hiểm nhưng tôi nghĩ nếu mình không “tham chiến” sau này lâm tặc sẽ tiếp tục lấn át. Tôi vừa xông vào thì chiếc cưa xẻ rách áo, khoét sâu vào ngón tay trái”, anh Dương Văn Nhàn kể. Ngay sau đó Công an huyện Vũ Quang vào cuộc điều tra, đối tượng Trần Quốc Hoàn ở thị trấn Vũ Quang bị tuyên 2 năm tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ”.

Thiếu thốn tình cảm

Với công việc là vậy, đại bộ phận cán bộ, kiểm lâm viên VQG Vũ Quang dù biết khó khăn, gian khổ nhưng không bao giờ nhụt chí. Có chăng, thứ mà họ cảm thấy thiếu thốn nhất chính là tình cảm gia đình.

Ảnh: Thanh Nga

Mỗi tháng anh Nhàn, anh Sơn xin phép đơn vị về thăm gia đình được 4 ngày, nhưng quãng đường xa, cộng với đặc thù công việc thường xuyên “đột xuất” nên nhiều lần vừa vào đến nhà các anh lại phải quay ra đi làm nhiệm vụ.

“Có hôm con ốm nằm viện, gọi điện thoại bảo tôi về thăm nhưng tôi không thể về được, những lúc đó tôi cảm thấy mình như một người chồng, người cha vô trách nhiệm”, anh Nhàn nói.

Với những cán bộ, kiểm lâm viên BVR ở các trạm vùng sâu vùng xa như Sao La, trạm Cò, Chi Lời, Khe Chè, nơi không có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng thì niềm vui của họ là... ngắm rừng núi.

Cũng vì không có điều kiện ở gần gia đình nên mỗi chuyến tuần tra rừng lâu ngày, đêm đến các anh tự mang đến hạnh phúc cho nhau bằng việc đốt lửa sưởi ấm, dùng nồi niêu, bát đũa làm đàn ca hát, hay chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Đây cũng là một cách để anh em hiểu nhau hơn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

Phải nói rằng, từ năm 2012 trở về trước rừng Vũ Quang là một điểm “nóng” của tỉnh Hà Tĩnh với đủ các đối tượng lâm tặc, đó là dân, là đầu nậu, thậm chí một số đối tượng không xuất đầu lộ diện, sử dụng chiêu bài “dương đông, kích tây” để xúi dục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, 3 năm gần đây tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản giảm hẳn cả về số vụ và khối lượng vi phạm. Đây là thành tích lực lượng BVR VQG Vũ Quang thu được sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng chuyển đổi tư duy sản xuất, bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, BVR tại gốc nhằm chặt đứt “mắt xích” cung cấp lâm sản cho các chủ đầu nậu buôn bán.

VQG Vũ Quang được biết đến với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, nhiều loài gỗ quý có tuổi thọ hàng trăm, hàng nghìn năm được bảo vệ như “báu vật”. Không ít loài động vật như: Sao la, mang lớn, bò tót, voi nằm trong sách đỏ Việt Nam, ghi nhận đã tuyểt chủng vừa qua được phát hiện sinh sống ở VQG Vũ Quang.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mau-do-cho-nhung-canh-rung-xanh-tuoi-mai-mai-post166958.html