Mặt trận giám sát thực hiện nhiệm vụ của cán bộ

TPHCM đang triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên việc tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được xem là nhiệm vụ rất cần thiết.

Hoạt động phối hợp giám sát của Ủy ban MTTQ TPHCM về công tác tiếp dân tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Ảnh: Q. Định.

Giúp điều chỉnh kịp thời những hạn chế

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM khẳng định, tham gia xây dựng chính quyền là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ được Hiến pháp và pháp luật quy định. Theo bà Vân, thời gian qua, HĐND và Mặt trận thành phố đã có những phối hợp triển khai giám sát rất hiệu quả. Các hoạt động được thực hiện đa dạng lĩnh vực, trong đó có giám sát đối với cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp; áp dụng nhiều phương thức tiếp xúc, lắng nghe. Qua đó, đã tiếp nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của nhân dân trên nhiều lĩnh vực, vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân.

“Nhờ vậy, HĐND thành phố kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục các hạn chế thiếu sót của chính quyền, phát huy được vai trò của cơ quan đại diện nhân dân trong việc giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương” - bà Vân nhấn mạnh.

Đó là một trong nhiều hoạt động phối hợp điển hình giám sát, phản biện xã hội trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đem lại hiệu quả cao giữa Mặt trận và các cơ quan giám sát khác tại TPHCM. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ TPHCM, 10 năm qua, hệ thống Mặt trận các cấp của thành phố đã giám sát đối với gần 2 nghìn văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, đã kiến nghị trên 500 nội dung có liên quan đến các văn bản đã giám sát. Tổ chức giám sát thông qua thành lập đoàn với trên 11 nghìn cuộc, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nhân dân quan tâm hoặc bức xúc như giám sát công tác quản lý và cấp phép xây dựng trên địa bàn; giám sát lập lại trật tự lòng đường, lề đường, mỹ quan đô thị; giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống MTTQ các cấp TPHCM đã chủ trì tổ chức trên 700 hội nghị phản biện xã hội; chủ động, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, rõ nét nhất là việc trực tiếp tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lần thứ XIII của Đảng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM đánh giá, những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận và các cơ quan phối hợp của thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng nội dung giám sát đã bước đầu phát huy được vai trò chủ trì, phối hợp của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố, đồng thời hạn chế được sự trùng lặp về đối tượng giám sát, giảm phiền hà cho các đơn vị được chọn giám sát.

“Nhiều ý kiến phản biện đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền thành phố khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành” - bà Thúy thông tin.

Duy trì “kênh liên lạc” giữa các bên

Bên cạnh những thành tựu, hoạt động giám sát, phản biện xã hội vẫn còn một số hạn chế như: chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, hoạt động phản biện xã hội tập trung chủ yếu ở cấp thành phố và quận, huyện...

Để khắc phục những hạn chế này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan, đổi mới công tác tiếp dân, tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, để công tác phối hợp giám sát, phản biện xã hội hiệu quả, cần bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện; tăng cường sự phối hợp trong hệ thống các cơ quan thực hiện nhiệm vụ nhằm phát hiện vấn đề, kịp thời vào cuộc, tạo tiếng nói chung trong thực hiện nhiệm vụ.

Lựa chọn đúng nội dung, đúng quy trình giám sát, phù hợp với tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận trong thống nhất chương trình giám sát nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo để nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát. Đặc biệt chú trọng giám sát đối với những lĩnh vực, nội dung liên quan đến đời sống nhân dân mà theo ghi nhận từ dư luận xã hội có nhiều vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để, kém hiệu quả.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, thành viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, để nâng cao hiệu quả giám sát, MTTQ thành phố cần tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú như giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương và việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Ông Hậu đề nghị, tăng cường giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình công trên địa bàn.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mat-tran-giam-sat-thuc-hien-nhiem-vu-cua-can-bo-10277917.html