Mất tiền oan vì rước nhầm điện thoại 'lởm'

Nhiều người đã lựa chọn mua điện thoại đời mới nhưng đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, không ít người đã gặp phải những sự cố khiến "tiền mất, tật mang", rước cái bực vào mình.

Điện thoại di động nhập lậu được quấn quanh người.

Vì muốn “đổi đời” dế yêu, chị N.T.H, nhân viên văn phòng một công ty tại Cầu Giấy (Hà Nội) tham khảo giá cả về những chiếc smartphone đời mới trên trang mạng xã hội. Để phù hợp với số tiền của mình, chị H. quyết định tìm đến cửa hàng nằm trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) để mua một chiếc Iphone 6 đã qua sử dụng, với giá 7,2 triệu đồng. Vì là máy cũ nên chế độ bảo hành chỉ được thực hiện khi còn giữ nguyên trạng hóa đơn mua hàng, kèm tem bảo hành của cửa hàng được dán trực tiếp trên vỏ máy.

Sau vài ngày sử dụng, chị H. tìm đến cửa hàng để được bảo hành vì chiếc điện thoại bất ngờ không bắt được sóng wifi. Tuy nhiên, chị H. bị cửa hàng từ chối vì tem bảo hành bị bong tróc, chị H. quyết định tìm đến trung tâm sửa chữa uy tín trên đường Cầu Giấy. Đến đây chị H. mới tá hỏa khi nhân viên kỹ thuật thông báo chiếc máy điện thoại do chị mua còn thiếu 3 chiếc ốc, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chiếc máy gặp sự cố thu sóng wifi. Đồng thời, nhân viên sửa chữa cũng chỉ cho chị H. một số dấu hiệu về việc chiếc điện thoại chị vừa mua không phải điện thoại chính hãng với nhiều chi tiết khá lạ. Chị H. khá bất ngờ, xót xa nhưng chỉ biết chấp nhận vì đó là hàng cũ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, trên các trang mạng đưa thông tin một số smartphone phát nổ khi sạc pin hay một vài sự cố điện thoại bị rơi xuống đất. Hiển nhiên các sự cố không may từ chiếc điện thoại của mình đa số người dùng đều đặt sự quan tâm nhất đến từ pin. Các đơn vị cung cấp khuyến cáo khách hàng nên chọn dùng phụ kiện củ sạc, cáp sạc chính hãng, nguồn gốc thật sự rõ ràng để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng. Rõ ràng, tình trạng các loại phụ kiện, pin cáp sạc điện thoại từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường khiến người dùng cảm thấy “ngộp”. Ngộp vì hàng hóa đa dạng khó chọn lựa, ngay cả một bộ cáp sạc “dỏm” được đẩy giá cao vút và người bán luôn khẳng định hàng chính hãng 100% làm khách mua hàng càng thấy “ngộp”.

Theo quan sát của phóng viên Báo Hải quan, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa không chỉ xuất hiện ở mặt hàng truyền thống như mỹ phẩm, thuốc lá, gạch men… mà thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn các vụ việc liên quan đến điện thoại di động. Các đối tượng tổ chức đưa người vượt biên, mang vác hàng hóa qua biên giới, sau đó tập kết ở khu vực giáp biên, chờ thời cơ đưa lên các phương tiện xe tải, xe khách vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Táo tợn hơn, một số đối tượng người Trung Quốc còn quấn hàng lậu quanh người hòng qua mặt lực lượng chức năng khi làm thủ tục nhập cảnh.

Tang vật 140 chiếc điện thoại di động do Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái bắt giữ ngày 24/4/2017.

Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5/2017, lực lượng Hải quan Quảng Ninh tại các cửa khẩu: Móng Cái, Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) đã tổ chức bắt giữ 2 vụ, thu giữ hàng trăm chiếc điện thoại di động. Quá trình xử lý, lực lượng chức năng nhận thấy, hàng vi phạm được sản xuất từ Trung Quốc có nhiều sản phẩm in bao bì bằng chữ tiếng Nga hay được cơ quan chức năng xác định là vi phạm sở hữu trí tuệ… Cụ thể, ngày 14/5, nhận được nguồn tin, Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh tổ chức lực lượng vây bắt một đối tượng có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển điện thoại di động từ Trung Quốc vào Việt Nam từ TP. Móng Cái đi qua địa bàn Bắc Phong Sinh để ra Quốc lộ 18A. Qua xác minh, Tổ kiểm soát Hải quan (thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh) phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu kiểm tra xe ô tô mang BKS: 29B-076.72, phát hiện trong cốp xe có 300 chiếc điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất, tên trên điện thoại ghi hoàn toàn bằng tiếng Nga. Sau 3 ngày bỏ trốn khỏi hiện trường, ngày 17/5/2017, ông Trịnh Văn Hải là lái xe đã đến cơ quan Hải quan nhận trách nhiệm và cung cấp lời khai. Lái xe khai nhận, số hàng hóa trên được mua từ Trung Quốc mang vào Việt Nam tiêu thụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ở một vụ việc khác, ngày 24/4, Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu II (Bắc Luân) thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) phát hiện, bắt giữ bà Chan QianLan (người Trung Quốc) vận chuyển trái phép 140 chiếc điện thoại di động iPhone các loại đã qua sử dụng, không khai báo hải quan. Đáng lưu ý, đối tượng đã quấn toàn bộ hàng hóa bằng băng dính quanh người để cất giấu. Bà Chan QianLan khai nhận, số hàng hóa trên được mua thu gom tại Đông Hưng (Trung Quốc) không có bất cứ hóa đơn chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp để mang sang Việt Nam tiêu thụ. Với 140 chiếc iPhone này, mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái nhận được công văn đề nghị của Công ty Võ Trần (đơn vị đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại biên giới) khẳng định đó không phải hàng chính hãng mà là hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Việc sử dụng những chiếc điện thoại đời mới đã qua sử dụng là một nhu cầu bình thường với mỗi người tiêu dùng, tuy nhiên, người mua cần cẩn trọng, lựa chọn kỹ càng để có thể lựa được những chiếc máy chính hãng tránh bị người bán đánh lừa bằng những sản phẩm nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mat-tien-oan-vi-ruoc-nham-dien-thoai-lom.aspx