Mất rừng là mất nước

PN - Vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) lần thứ hai trong hai năm lại trùng hợp với việc phát hiện vụ thảm sát rừng đầu nguồn biên giới Việt - Lào ở Hà Tĩnh, đã làm công luận giật mình, sửng sốt. Thiên tai (và cũng có thể do con người bất cẩn) đốt rừng thành tro bụi, lâm tặc phá rừng bằng cưa máy mỗi ngày từ Tánh Linh năm nào đến Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bắc Giang năm nay, liệu đến khi nào quốc nạn mất rừng được chặn lại để cứu lấy sự sống còn của đất nước?

Có vẻ như lúc nào rừng cũng “dễ cháy”, lúc nào lực lượng kiểm lâm cũng mỏng, lúc nào các ông chủ tịch tỉnh cũng hứa quyết tâm bảo vệ rừng cũng như luôn "triệt để" "quyết liệt" chống tham nhũng. Nhưng rừng vẫn bị cháy, bị tàn sát không thương tiếc ngày một nhanh hơn, nhiều hơn; tham nhũng ngày một trầm trọng hơn.

Cuộc chữa cháy khá thành công rừng Hoàng Liên vừa qua đã chặn lại một thảm họa khôn lường, may mà chỉ mất dưới 100 ha chứ không phải 700 ha rừng lõi như cuối năm 2010. Không cần nhắc lại điều quá hiển nhiên: với đất nước chúng ta, mất rừng cũng đồng nghĩa với mất nước. Trên sổ sách, giấy tờ thống kê, rừng được trồng mới mỗi ngày một nhiều, dự án này kế tiếp dự án nọ. Chưa nói những báo cáo có truyền thống “khả nghi” đếm cây chết cây sống trong rừng, nhưng dù đó là những con số chính xác đi nữa thì cũng có nghĩa rừng nguyên sinh đang bị thay thế bởi rừng trồng. Bộ rễ sâu hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét của đinh lim sến táu trăm năm đang được thay bằng những bộ rễ cạn trợt của các loại cây keo vài năm tuổi. Và lũ lụt, đất lở, núi sụt đâu phải bỗng dưng thành chuyện thường ngày. Ai cũng biết cái nguy ấy, nhất là chính quyền các cấp. Nhưng người ta nói nhiều, hứa hẹn nhiều mà làm không nhiều. Đến cả lệnh “cách chức chủ tịch tỉnh nếu để xảy ra phá rừng” của Thủ tướng chừng như vẫn nằm trên giấy hay diễn đàn hội nghị.

Đã đến lúc phải quyết liệt minh bạch hóa câu hỏi: chúng ta đã thật sự làm gì để ngăn chặn thảm họa cháy rừng và phá rừng? Năm 2010, hơn 700 ha rừng Hoàng Liên bị thiêu trụi, báo chí ca ngợi tấm gương “những người chữa cháy bị cô lập vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “bằng chân, tay và dao, dùng từng can nước, cành cây dập lửa”… Năm đó, Cục trưởng Cục Kiểm lâm thanh minh, vì các đám cháy tại Hoàng Liên ở độ cao từ 1.500m đến 2.000m so với mực nước biển nên không thể sử dụng phương tiện cơ giới, hiện đại. Năm nay, rừng lại cháy ở đây, cuộc chiến đấu đã thắng lợi như ta thấy. Nhưng cũng vẫn bằng những con người, những phương tiện y hệt hai năm trước. Đành rằng hoàn cảnh còn khó khăn, kinh phí còn eo hẹp, nhưng tại sao lực lượng cứu hỏa vẫn phải mất bốn giờ mới tới được nơi rừng cháy? Tại sao chúng ta không thể dành cho lực lượng chống cháy cả nước một phi đội trực thăng? Phải chăng không phải chỉ vì thiếu tiền mà thiếu những cái đầu biết phản ứng linh hoạt trước đòi hỏi của cuộc sống?

Còn nạn phá rừng thì khỏi nói. Đã xuất hiện không ít lâm tặc là kiểm lâm, là quan chức huyện xã và nguy hại hơn cả, là dân. Khi dân cũng là lâm tặc thì vô phương ngăn chặn và cần xem lại chính sách với nông dân. Người ta không thể nào hiểu nổi, tại sao trong những cánh rừng hiểm trở vào loại nhất nước như ở vùng biên giới Hà Tĩnh hay rừng nghiến đại ngàn Bắc Giang (vì quá hiểm trở nên đến nay vẫn còn gỗ quý) mà lâm tặc lại có thể khai thác hàng trăm, hàng ngàn mét khối gỗ, làm cả đường vận chuyển cơ giới như múa gậy vườn hoang? Nhắm mắt lại nói liều cũng trúng: lâm tặc không chỉ là “lâm tặc” nữa!

Cuộc chống cháy thành công bằng thủ công năm nay ở Hoàng Liên đáng khích lệ, nhưng không thể mãi mãi chữa cháy rừng bằng từng can nước. Nạn phá rừng, theo tôi, còn nguy hiểm hơn tham nhũng. Rừng là cả quá khứ, tương lai và vận mệnh của đất nước; cháy rừng, phá rừng không thể không làm tất cả mọi người có lương tri sửng sốt, lo lắng và giật mình sợ hãi!

NGUYỄN QUANG THÂN

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2012/Pages/mat-rung-la-mat-nuoc.aspx