Mất khôn khi lên cơn nghiện rượu

(VTC News) – Khi cơn “vật” rượu đến, người nghiện rượu không còn kiểm soát được hành vi của mình. Họ có thể uống bất cứ thứ gì là chất lỏng, có tác dụng gây say như rượu.

Uống bất cứ thứ gì khi lên cơn nghiện rượu Khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân như vậy. Đó là bệnh nhân Trịnh Minh T (45 tuổi), nhập viện lúc 23h30p ngày 7/6/2010, trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận, ngừng thở, đồng tử giãn tối đa và mất khả năng phản xạ ánh sáng. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã phải đặt ống thở, trợ tim, uống thuốc giải độc. Tại đây, các bác sĩ đã đo được nồng độ Methanol trong máu là 138,9 mg/100ml, cao gấp 70 lần nồng độ nguy hiểm mà Methanol có thể gây độc cho cơ thể. Sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các bác sĩ mới tìm hiểu và được biết, bệnh nhân nghiện rượu rất nặng. Do không có tiền mua rượu, bệnh nhân đã lấy nước lã pha với cồn đốt để uống. Tuy nhiên, trong cồn đốt có thành phần Methanol, có khả năng gây say như Ethanol trong rượu, nhưng kèm theo đó là khả năng gây độc cao gấp nhiều lần Ethanol, khiến bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng. Cũng trong năm 2010, khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc rượu đến từ Hà Đông. Bệnh nhân bị hôn mê sâu sau khi một mình uống hết 2 lít rượu trắng. Qua kiểm tra máu bệnh nhân thấy có cả Methanol. Đây là một chất chỉ có trong cồn công nghiệp, chứ không có trong rượu nấu lên từ gạo, ngô… Do đó, nhiều khả năng, rượu này đã được pha lẫn cồn công nghiệp hòng bán có lãi và bệnh nhân này, do uống quá nhiều, đã bị ngộ độc Methanol. BS Nguyễn Trung Nguyên, khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai còn cho biết, có bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tím, thuốc tẩy rửa… vì khi lên cơn nghiện rượu, họ đã vơ bất cứ thứ gì là chất lỏng, trông giống rượu, để uống. Hậu quả là có những chất ăn mòn nặng, gây tổn thương dạ dày, khiến bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng đau đớn. Có bệnh nhân còn vơ cả rượu ngâm củ ấu tàu (vốn dùng để xoa bóp) để uống, dẫn tới suy hô hấp, loạn nhịp tim, hôn mê sâu, phải vào cấp cứu tại bệnh viện này. Một số bệnh nhân khác có chút hiểu biết là có những hóa chất họ hàng nhà rượu, mà khi pha loãng để uống có thể có tác dụng say như rượu, nên họ đã bất chấp những độc hại khác để tu vào người, cho thỏa cơn ghiền. Những chất cồn đó thực sự chứa các chất gây hại có thể gây độc gấp nhiều lần so với Ethanol có trong rượu. Về lâu dài có thể gây tổn thương gan, não, hệ thống thần kinh, mù mắt… Ẩn chứa nhiều hiểm họa từ rượu kém chất lượng Nhận thấy càng ngày, bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu càng có nhiều biểu hiệu của việc bị tổn thương các cơ quan trong cơ thể do Methanol, Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã có những xét nghiệm mẫu máu các ca bệnh có nghi ngờ cao. Có tới 7/13 mẫu mang đi xét nghiệm dương tính với Methanol. Điều này cho thấy, bệnh nhân uống rượu “quốc lủi” được nấu không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Sự có mặt của Methanol trong máu chứng tỏ mẫu rượu mà bệnh nhân uống phần lớn bị pha thêm cồn công nghiệp. BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Methanol từ lâu đã được chứng minh, ngoài những độc tính giống như Ethanol, Methanol còn gây tổn thương thần kinh, mù mắt, tổn thương thận, tuần hoàn máu, ngộ độc nhanh và nặng”. Đáng lo ngại nhất hiện nay là việc tồn tại của cả Ethanol và Methanol trong rượu khiến các triệu chứng nhiễm độc Methanol vì thế rất khó phát hiện, phát hiện chậm nên các tổn thương trong cơ thể thường rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu sau 8 tiếng, các triệu chứng say rượu đã hết thì cũng thời gian này, nếu lượng Methanol đủ lớn, cơ thể cũng đã đủ để bị tổn thương thần kinh, mù mắt, máu bị nhiễm toan, thậm chí hôn mê. “Nhưng chính vì sau đó, khi bệnh nhân đã tỉnh rượu, nên các bác sĩ cũng như người nhà bệnh nhân lại nhầm lẫn đó là bệnh khác, tìm cách chữa trị khác, dẫn tới chẩn đoán nhầm nguyên nhân. Thời gian càng lâu thì tác hại trên cơ thể càng lớn, thậm chí nguy cơ tử vong do Methanol là rất cao” – BS Nguyên cho biết. Việc chủ đích dùng “họ hàng” nhà rượu như cồn, chất tẩy rửa có cồn, dầu phanh… pha loãng thành rượu để tạo cảm giác say như rượu cũng có những tác hại khủng khiếp. Một số những chất có độc tính tức thời rất mạnh, gây chảy máu dạ dày, nôn ra máu, thậm chí tử vong. Hiền Lê

Nguồn VTC: http://vtc.vn/321-252016/suc-khoe-gioi-tinh/mat-khon-khi-len-con-nghien-ruou.htm