Mặt bằng 'xôi đỗ', khó đẩy tiến độ cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình

Do vướng nhiều khu dân cư chưa được di dời, các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình khó thi công liền mạch.

Do vướng mặt bằng tại xã Quảng Thanh, nhà thầu không có đường tiếp cận ra Quốc lộ 12 để vận chuyển vật liệu thi công và vận chuyển dầm lao lắp cho các phân đoạn mố M1 của cầu sông Gianh.

Mặt bằng "xôi đỗ", thiếu đường tiếp cận

Tranh thủ những ngày nắng ráo cuối cùng, nhà thầu Dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ.Đang đi dọc tuyến kiểm tra các mũi thi công, kỹ sư Trần Văn Hoàng - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinanonex) cho biết, tranh thủ những ngày nắng ráo ít ỏi còn lại, đơn vị đang chạy đua với thời gian bố trí nhiều nhất có thể máy móc nhân công để hoàn tất các hạng mục đắp nền đường.

Tại vị trí Km 599 + 500 thuộc địa bàn thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, vẫn còn nhiều hộ dân vướng đất thổ cư chưa di dời nên vị trí đang bị tắc lại.

"Nếu gỡ được điểm nghẽn này, nhà thầu sẽ bố trí mũi thi công đắp nền đường tuyến chính, kết nối với nút giao Tuyến Châu - Văn Hóa giao với đường Xuyên Á. Cũng vì còn vướng các hộ dân ở đây nên chúng tôi phải mượn đường để đắp thông tuyến. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, phát sinh thêm chi phí", kỹ sư Hoàng nói và cho biết thêm: Hiện còn khoảng 9 hộ dân tại thôn Vân Tiền có nhà, đất nằm ngay trên phạm vi tuyến chính nằm trong diện phải di dời nhưng địa phương chưa có khu tái định cư (TĐC).

Hiện tại cầu Gianh chỉ mới lao được 2 nhịp dầm ở bờ Nam thuộc địa phận xã Quảng Hải.

Cũng nằm trong dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, gói thầu XL02 do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty cổ phần Lizen thi công đang đối mặt với khó khăn tương tự. Do mặt bằng "xôi đỗ", nhiều hạng mục trên dự án chưa thể thi công hoặc thi công không liền mạch.

Ông Trần Hoàng Tùng (Công ty Phương Thành) thông tin, tại vị trí từ Km 600 + 700 thuộc địa phận xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, vì vướng đất thổ cư của các hộ dân nên nhà thầu chỉ triển khai các mũi thi công cầu, cống, hầm chui.

Tương tự, vị trí nút giao Km 605, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (là vị trí thi công đầu cầu sông Gianh nhìn từ phía bờ Bắc), hiện vẫn không có đường tiếp cận ra Quốc lộ 12 để vận chuyển vật liệu thi công và vận chuyển dầm lao lắp cho các phân đoạn mố M1 của cầu sông."Bờ Bắc cầu Gianh đã thi công xong phần trụ cầu, riêng mố cầu M1 vẫn chưa thể thi công được vì vướng hạ tầng kỹ thuật. Nếu được bàn giao mặt bằng trong thời gian tới thì việc lao dầm cầu sẽ được đơn vị tiến hành", ông Tùng thông tin.

Mặt bằng "xôi đỗ" cũng là tình trạng chung tại nhiều vị trí trên tuyến thuộc địa phận các xã Liên Trạc, Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.

Có mặt bằng đến đâu các đơn vị tranh thủ làm ca đêm để đảm bảo tiến độ (ảnh công ty CP Tập đoàn Cienco4 thi công tại gói Bùng - Vạn Ninh).

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, Dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh cũng không khá hơn do vướng mặt bằng.

Ông Phạm Đình Tài, chỉ huy trưởng Tổng công ty 36 cho biết, diện tích mặt bằng đạt hơn 80%, còn khoảng 1,2km, song thực tế mặt bằng bị chia làm 2-3 đoạn "xôi đỗ". Việc vận chuyển vật tư, vật liệu phải vòng ra đường Hồ Chí Minh, phát sinh đáng kể chi phí.

Nếu được giao 1,2 km còn vướng mặt bằng thì sẽ làm luôn phần việc đắp đất nền vì thời điểm này đơn vị đã thi công gần như hết các vị trí được giao mặt bằng. Sau mùa mưa đến giai đoạn thảm móng mặt đường.

"Tại xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch còn có 11 hộ dân bị ảnh hưởng đất thổ cư, nhà cửa. Lí do mặt bằng "xôi đỗ" là do người dân chưa đồng thuận về phương án áp giá đền bù cũng như chưa có khu TĐC cho người dân" ông Tài thông tin.

Mới có 1/26 khu tái định cư hoàn thành

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này công tác trích đo, kiểm đếm đã hoàn thành. Địa phương đã bàn giao cho các Ban QLDA là 107,21km/126,43km (đạt 84,8%).

Để bố trí cho 580 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch xây dựng 26 khu TĐC. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có 1 khu tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh thi công hoàn thành và bàn giao cho người dân.

Km 636+200 đến Km 636 +300 thuộc địa bàn xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch chưa thể thi công vì vướng các hộ dân.

Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch, trên địa bàn huyện có 6 khu TĐC, trong đó có 2 khu đang lựa chọn nhà thầu, 4 khu đang làm thủ tục hồ sơ thiết kế bản vẽ kỹ thuật.

"Chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo huyện đẩy nhanh thủ tục để triển khai thi công các khu TĐC cho người dân đến xây nhà", vị này nói.

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, để triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, UBND tỉnh Quảng Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai công tác GPMB, đền bù hỗ trợ TĐC cho người dân. Tuy nhiên, hiện các dự án khu TĐC cho người dân chưa thể triển khai thi công trong tháng 9 theo kế hoạch.

"Theo quy định hiện hành, muốn thực hiện dự án khu TĐC cư phải thông qua trình tự từng bước như các dự án thông thường. Ngoài ra, một số khu TĐC còn phải trải qua trình tự 2 bước (giá trị hợp đồng trên 15 tỉ), thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phòng cháy chữa cháy…." Ông Lâm nói và thừa nhận các khu TĐC, đặc biệt là 2 khu TĐC ở huyện Lệ Thủy không thể kịp theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải bàn giao trong tháng 9.

Hà Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mat-bang-xoi-do-kho-day-tien-do-cao-toc-bac-nam-qua-quang-binh-192230910004647462.htm