Mastercard: Người trẻ Campuchia, Việt Nam, Myanmar lạc quan và sẵn sàng tiêu tiền

Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực có nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất thế giới, tầng lớp trung lưu sẽ ngày một “phình to”.

Cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, công nghệ và hạ tầng phát triển nhanh, cơ hội giáo dục rộng mở, đó chính là những yếu tố giúp người trẻ các nước Đông Nam Á trở nên lạc quan về tương lai, theo nghiên cứu mới nhất được Mastercard công bố và báo Nikkei – Nhật đăng tải.

Mastercard đã tiến hành khảo sát ý kiến của hàng nghìn thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 29 tại 17 thị trường quan trọng của châu Á, trong đó có bao gồm các nước Đông Nam Á, Nhật, New Zealand để biết được quan điểm của họ về nền kinh tế, triển vọng việc làm và chất lượng cuộc sống.

Câu trả lời của họ được tính toán trên thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 0 thể hiện tâm lý bi quan nhất còn 100 đại diện cho tâm lý lạc quan nhất.

Kết quả, người trẻ đến từ các nước Campuchia, Myanmar và Việt Nam lạc quan hơn nhiều so với người trẻ đến từ tất cả các nước còn lại.

Chỉ số niềm tin của người trẻ Campuchia đạt 95,4 điểm, sau đó đến Myanmar với 94 điểm và tiếp theo đó là Việt Nam với 93,2 điểm. Người trẻ Malaysia và Singapore trong khi đó lại bi quan nhất, chỉ số niềm tin đạt lần lượt 42,6 điểm và 47,3 điểm.

Theo lý giải của Mastercard, một trong những yếu tố chính tạo nên tâm lý lạc quan và bi quan nằm ở việc tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội còn nhiều tại các nền kinh tế mới nổi, người trẻ nhờ vậy lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế, việc làm. Trong khi đó, tại nhiều nền kinh tế đã phát triển, tiềm năng đó không thể cao tương đương.

Mastercard vì vậy nhận định người trẻ Đông Nam Á đang kỳ vọng rất nhiều vào những cơ hội trước mắt, trong những năm tới sẽ có thêm nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu, nhờ vậy họ cũng đang và sẽ chi tiêu nhiều hơn, điều đó giúp kinh tế tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực có nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất thế giới, tầng lớp trung lưu sẽ ngày một “phình to”. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2030, tầng lớp trung lưu Đông Nam Á sẽ có đến hơn nửa tỷ người. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng những người kiếm được từ 10 – 100 USD/ngày được xếp vào tầng lớp trung lưu.

Còn theo báo cáo kinh tế mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người khu vực Đông Nam Á ước tăng 4,59%, tốc độ này đối với nhóm nền kinh tế phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương ước đạt 1,72%.

Trung Mến

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/mastercard-nguoi-tre-campuchia-viet-nam-myanmar-lac-quan-va-san-sang-tieu-tien-2772666.html