Mạnh tay triệt phá đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, mang tính bạo lực

Tại những con phố bán đồ chơi dành cho trẻ em ở Hà Nội, dịp ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) rất sôi động. Ghi nhận của Phóng viên Chất lượng Việt Nam, trong số những đồ chơi thông thường, vẫn 'len lỏi' những đồ chơi bạo lực, không an toàn.

Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược … là những con phố được mệnh danh là “xứ sở đồ chơi” dành cho trẻ em tại thủ đô. Tại đây, tất thảy mọi món đồ chơi cho trẻ em đều có mặt, từ đồ chơi cao cấp cho đến bình dân và được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc vẫn chiếm thị phần rất lớn bởi mẫu mã đa dạng.

Theo khảo sát của Phóng viên Chất lượng Việt Nam, chen lẫn những món đồ chơi có tính thẩm mỹ và giáo dục cao vẫn còn thấy có đồ chơi mang tính chất bạo lực.

Hàng “made in China” tràn ngập thị trường đồ chơi

Nguyên nhân của việc đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc ngập tràn trên thị trường, theo anh Phạm Mạnh Thắng, một chủ cửa hàng trên phố Lương Văn Can, đồ chơi Trung Quốc mẫu mã đẹp, đa dạng và nhiều chủng loại, nên việc hàng Trung Quốc ngập tràn các cửa hàng cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được anh Thắng nhấn mạnh đó là đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, phù hợp với thị trường Việt Nam.

"Đồ chơi Trung Quốc đa dạng và mẫu mã bắt mắt nên thu hút các em nhỏ hơn đồ chơi sản xuất trong nước. Đồ chơi Trung Quốc phần lớn được sản xuất với số lượng lớn, theo sát các nhân vật hoạt hình và cập nhật nhanh xu hướng của trẻ con, cộng với giá thành phải chăng là lý do chúng được ưa chuộng”, anh Thắng nói.

Tại cửa hàng của anh Thắng, các loại đồ chơi trẻ em khá đa dạng như ô tô, siêu nhân, máy bay, ghép hình, búp bê... Phần lớn chất liệu của những chiếc đồ chơi tại đây được làm bằng nhựa. Giá của các loại đồ chơi này chỉ từ 30.000 đến 200.000 đồng/chiếc hoặc bộ.

Đồ chơi "made in China" ngập tràn trên thị trường Việt.

Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, chị Phạm Phương Trà (ngõ 49, đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội ), đang phân vân trong việc chọn lựa đồ chơi cho con mình. Trước sự bủa vây của hàng hóa “made in China” và những cảnh báo về đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc gây nguy hại trên báo chí – truyền hình, chị Trà khá đau đầu.

“Cũng muốn mua đồ chơi sản xuất trong nước hay đồ chơi xuất xứ Thái Lan cho con tuy nhiên, khi mua về các con không thích. Đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc thường được các con yêu thích hơn”, chị Trà chia sẻ.

Tại các cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can, các sản phẩm sản xuất trong nước phần lớn là búp bê, đĩa bay, các món đồ chơi xếp hình. Tuy nhiên, giá thành các sản phẩm này đắt và không đa dạng. Hơn hết, nhiều bé cũng không thích những chiếc đồ chơi này bằng siêu nhân, ô tô hay đồ chơi phỏng tác các nhân vật hoạt hình.

Theo ghi nhận của Phóng viên, nhiều đồ chơi "Made in China" bán tại các phố này còn ghi tiếng Trung, không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi thành phần và mã tem, mã vạch.

Kiểm soát chặt chẽ đồ chơi bạo lực, nguy hiểm

Theo chị Phạm Thị Hải (chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Lược), các món đồ chơi truyền thống như búp bê, thú bông, bộ đồ nấu ăn, bác sĩ thường ít được chọn mua nhiều. Đồ chơi như súng, tên lửa, khẩu pháo, xe tăng vẫn thấy lác đác có và loại đồ chơi này được các cơ quan chức năng giám sát, tịch thu nhiều nhưng các cửa hàng vẫn 'liều bán' vì nhiều người hỏi mua. Các sản phạm đồ chơi này không chỉ thu hút được các bé trai mà ngay cả các bé gái cũng rất thích thú.

"Trẻ con, nhất là các bé trai rất thích những món đồ chơi bạo lực. Cùng với đó, các đồ chơi càng gần gũi với các nhân vật hoạt hình như gươm siêu nhân, kiếm biến hình lại càng được các con ưa chuộng”, chị Hải nói.

Đồ chơi bạo lực len lỏi trên thị trường

Theo ông Phạm Hải Nguyên, chuyên gia nghiên cứu thị trường của Công ty sản xuất đồ chơi Nam Á thì bất kì sản phẩm đồ chơi trẻ em nào nhập về Việt Nam hay được sản xuất tại Việt Nam cũng phải có dấu chứng nhận hợp quy theo quy định.

“Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN quy định Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Tại thông tư, kể từ ngày 15/4/2010, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN”, ông Hải Nguyên nói.

Ông Hải Nguyên cho biết thêm, dấu hợp quy (CR) trên thị trường đồ chơi vẫn xảy ra tình trạng bị làm giả, làm nhái. Vậy nên, để mua được hàng hóa đạt chuẩn chất lượng cho con em, ngoài dấu CR, mọi người cần yêu cầu doanh nghiệp , chủ cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy của sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Nụ (công tác tại Trung tâm Bảo vệ quyền trẻ em), các phụ huynh nên tỉnh táo và chọn mua đồ chơi cho con em mình theo đúng quy chuẩn để đảm bảo an toàn.

“Đồ chơi bạo lực không chỉ có nguy cơ gây sát thương cho con trẻ mà còn ảnh hưởng đến tính cách, tâm lý của trẻ trong quá trình phát triển. Thậm chí, nhiều loại đồ chơi bạo lực còn làm thay đổi tính cách của các bé trai, làm cho các bé luôn nhầm tưởng mình như những vị anh hùng và sống trong thế giới đó bỏ bê việc học hành”, bà Nụ cho biết.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong thời gian qua, hệ thống các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Công an, Quản lý thị trường xử lý nhiều trường hợp buôn bán, nhập khẩu, sản xuất đồ chơi kém chất lượng, không an toàn. Thị trường đồ chơi trẻ em được kiểm soát chặt chẽ, góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng.

Trả lời báo chí, ông Lưu Bách Chiến - Đội trưởng Đội QLTT số 2 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Năm nào, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra quyết liệt các cửa hàng bày bán các loại đồ chơi trẻ em, đặc biệt là các cửa hàng có dấu hiệu bày bán các loại súng đạn nhựa, súng lửa gây nguy hiểm đến tính mạng. Thủ đoạn của chủ các cơ sở kinh doanh mặt hàng này thường rất tinh vi, chưa kể chủ cửa hàng còn cử người theo dõi mọi di biến động của lực lượng chức năng… nên phát hiện vi phạm là điều rất khó. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm có liên quan tới đồ chơi bạo lực”.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/manh-tay-triet-pha-do-choi-tre-em-khong-ro-nguon-goc-mang-tinh-bao-l%c3%bac-d121827.html