Mảnh Đất Cụ Đề -Nguồn thiêng Sông Núi

Ông Đề Thám bị trói chặt vào gốc cây nhưng vẫn ngẩng cao đầu tràn đầy khí phách. Ngọn lửa bùng lên trong tiếng hô vang: 'Hỡi đồng bào nước Nam, ta thà chết chứ không chịu đầu hàng, không chịu làm nô lệ', đột nhiên một trận mưa to ập xuống.

Chỉ cách gần trăm km vậy mà mấy năm rồi nay tôi mới trở về với ngày Hội của quê hương, không phải không có điều kiện mà vì lý do dịch bệnh và công việc riêng nên mọi ý định tôi không thực hiện được. Thú thực, lần này có anh bạn Nhà báo nhận lời cùng đi nên tôi rất vui và bằng mọi giá tôi phải thực hiện được ý định là có một bài viết hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của cá nhân tôi. Đúng 9 giờ sáng tôi sắp xếp hẹn anh có mặt ở bến xe Gia Lâm rồi cùng đi. Chẳng hiểu sao khi xe chuẩn bị khởi hành anh mới hớt ha hớt hải chạy tới và dúi vào tay tôi một túi quà bảo em cứ đi đi anh có việc bận đột xuất không thể về cùng em được, thế là tôi ngớ người tưu ngửu khoác ba lô lủi thủi leo lên xe.

Xe chạy dọc con đường Từ Hà Nội đến Bắc Ninh chuỗi nỗi buồn mơ hồ trong tôi về anh bạn vẫn còn hiện hữu trên gương mặt, chỉ khi tấm biển Bắc Giang Kính Chào Quý Khách đập vào mắt tôi mới thực sự trở về chính mình. Trời bắt đầu mưa, những hạt mưa lay phay li ti phả vào kính xe cứ rung rinh long lanh như một vạt cỏ đầy sương. Lúc này anh lái xe mới nhè nhẹ cho cần gạt kính lùa đi lùa lại để quan sát. Hai bên đường ngô lúa trải thắm sắc xuân, những cây đào phai trước ngõ còn lưu giữ lại cái tết ấm cúng và chia xa. Và kia nữa hoa bưởi trắng ngần, trắng xóa dẫn lối vào nhà ai thoang thoảng một mùi hương quyến rũ đầy mê hoặc khiến tôi cứ xuýt xoa ao ước giá như ai đó đem đặt vào tay mình một chùm thì vui biết mấy. Giờ tôi mới để ý bên cạnh mình có một chị tầm tuổi chị tôi, nghe giọng, tôi đoán là người dân tộc thiểu số, chị bảo chị là người Tày, quê ở tận Lào Cai bắt xe từ đêm trước ra Hà Nội rồi lại tiếp tục bắt xe Gia Lâm – Cầu Gồ đến với Hội Yên Thế để cùng mấy đứa cháu bán hàng đồ mỹ ký phục vụ bà con dịp lễ hội. Chị bảo còn sức thì còn muốn đi cứ ở đâu nghe nói có Hội là chị lại cùng các cháu cuốn gói đồ đạc đi đến. Thấy trời mưa chị có vẻ lo lắng thở dài bảo trời thế này thì không bán được hàng rồi. Cô gái ngồi ghế phụ xe (tôi đoán là chủ của chiếc xe này) buột miệng bảo ui giời Hội Yên Thế năm nào chẳng mưa, anh tài xế tiếp một câu vừa hỏi vừa trả lời : “...mọi người biết tại sao cứ đến Hội là mưa không? Là khi quân Pháp chất lửa thiêu sống cụ Đề, ngọn lửa vừa bùng lên thì trời đất bỗng dưng tối sầm lại, một trận mưa to bất ngờ đổ xuống...”. Nghe cô gái nói đến một điều kì lạ có thật, tôi lại chợt nghĩ đến hồi tôi còn nhỏ có một đoàn làm phim về trọ ở nhà tôi để quay cảnh thiêu sống cụ Đề Thám (Hoàng Hoa Thám). Họ lấy khu rừng Lim mà chúng tôi vẫn quen gọi là rừng cấm- ngày trước là khu vực chứa kho đạn của quân đội do đơn vị K5 canh giữ, khi đơn vị chuyển đi nơi khác thì khu rừng được giao lại cho xã quản lý- và đội làm phim đã chọn để đóng phim. Cảnh quay theo kịch bản phải có rất nhiều vai bà con nhân dân thể hịên, nên đội làm phim đã huy động cả toàn bộ cán bộ nhân viên kho bạc, ngân hàng huyện tham gia, trong đó có cả chị gái con bác tôi. Cảnh chỉ dài hơn chục phút, nhưng đoàn làm phim phải chuẩn bị rất nhiều thứ...Và thứ quan trọng là một can xăng, vài vòi phun nước cùng một đống củi thật to. Cảnh quay bắt đầu: ông Đề Thám bị trói chặt vào gốc cây nhưng vẫn ngẩng cao đầu tràn đầy khí phách. Ngọn lửa bùng lên trong tiếng hô vang: “Hỡi đồng bào nước Nam, ta thà chết chứ không chịu đầu hàng, không chịu làm nô lệ”, đột nhiên một trận mưa to ập xuống. Dân làng đến xem đông nghịt ai cũng nín thở dõi theo từng chi tiết, riêng NSND Đoàn Dũng đóng vai Đề Thám thì mồ hôi ướt sũng, mặt đỏ phừng phừng vì lửa. Lúc về nhà tôi nghỉ, ông bảo mệt muốn ngất xỉu, mấy cô diễn viên xinh đẹp vơ vội cái quạt cọ của mẹ tôi đan quạt lấy quạt để cho ông.

…Theo dòng hồi tưởng xe đã đưa chúng tôi đến giữa lòng Yên Thế. Một không gian cờ hoa trống chiêng rộn ràng, sân khấu, hội trại, rạp xiếc và rất nhiều trò chơi khác dành cho cả người lớn và trẻ em đã dựng lên phục vụ bà con từ đêm trước. Tượng đài vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám được đúc tại Yên Thế bằng 7,5 tấn đồng nguyên khối uy nghi, hoành tráng. Các đoàn thể từ cụ già, cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng các em thiếu nhi với sắc màu quân phục chỉnh tề, nụ cười rạng rỡ đang trình diễn cử hành nghi lễ. Và đây ngôi đền thờ ông tọa lạc trên gò đất cao bồng bềnh khói hương nghi ngút như thực mà như mơ, uy nghiêm mà đĩnh đạc, hội tụ linh khí của đất trời, của linh hồn nghĩa cả vùng linh địa. Tôi đặt lễ dâng hương với tấm lòng thành kính bái vọng tiên tổ vừa lẩm nhẩm đọc câu thơ của cố Nhà thơ Anh Vũ được lồng trong khung kính, treo trang trọng trên tường “Ba mươi năm giữ núi rừng/ Danh ông Đề Thám lẫy lừng trời Nam”. Khi quay sang bất ngờ gặp hai anh bạn trước cùng là Hội viên HVHNBG, tôi nhận ra ngay Nhạc sĩ Đào Hồng Thạch và Trần Văn Lạng- nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang- đang trao đổi với nhau về bài hát “sáng mãi bản hùng ca” mà anh Đào Hồng Thạch đã lấy ý tưởng từ hai câu thơ được trích dẫn ở trên, thấy tôi, anh hồ hởi kéo tôi cùng đi, anh bảo, anh mới viết lời và phổ nhạc thành công bài hát này,anh em mình ra ngoài cùng đọc cho vui. Ngồi dưới tán cây bồ đề hưu hưu gió mát, anh mở điện thoại bảo tôi đọc lời và đưa tai nghe cho tôi nghe bản thu âm hoàn chỉnh do Ca sĩ Lê Tuấn thể hiện. Bài hát có giai điệu hùng hồn, cuốn hút,hừng hực khí thế chiến công:

“Ba mươi năm quyết giữ núi rừng

Nước non chìm đắm lũ giặc ngoại xâm

Cùng nhau tụ nghĩa dưới bóng cờ hồng

Lời thề sắt son rền vang sông núi"…

Ca khúc nhạc thơ tuyệt vời như thấm vào huyết mạch, tôi thầm khâm phục tài năng sáng tạo của người nhạc sỹ tài hoa và tôi thầm ước năm sau, ca khúc này sẽ là bài hát mở màn cho mùa khai Hội Yên Thế 2024 tưng bừng...

Đã về trưa mà không gian tuyệt đẹp hợp với lòng người,vui với lòng Hội, trời nắng mà không nắng, trời mưa mà không mưa, cứ chùng chình ran ríu như ngàn bàn tay trong tay, ngàn người trong người...Cả Lễ Hội tưng bừng như muốn ôm xiết cả trời đất Yên Thế. Chúng tôi dạo quanh một vòng khu nhà trưng bày rồi như một cơ duyên được gặp gỡ và uống rượu cùng gia đình anh Nguyễn Đăng Nông- nguyên Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Yên Thế- ở trung tâm Hội. Thật thú vị và may mắn tại đây tôi lại được nghe anh Lạng và anh Nông kể về cuộc hành trình đi tìm mộ Đề Thám tại hang Tối (tiếng dân tộc gọi là lân đăm) thuộc huyện Hữu Lũng,tỉnh Lạng Sơn. Tuy cái kết còn bỏ ngỏ,tất cả vẫn chỉ là trong ý tưởng nhưng qua câu chuyện tôi hiểu thêm về trách nhiệm của hậu thế đối với Cụ Đề thật thiêng liêng mà thế hệ con cháu mai sau cần phát huy, gìn giữ tôn tạo...

Yên Thế tháng 3/2023 - NTH

Ghi Chép: Nông Thị Hưng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/manh-dat-cu-de-nguon-thieng-song-nui-a18324.html