Manga có thể là tương lai của Marvel, DC

Trong thời gian tới, manga có thể là mảng đề tài màu mỡ cho nhiều nhà xuất bản truyện tranh siêu anh hùng vốn đang bão hòa về doanh thu.

Ở các nước phương Tây, truyện tranh đã xuất hiện trong gần một thế kỷ qua và trở nên lan tỏa mạnh mẽ từ khi các nhân vật siêu anh hùng ra đời.

Tuy nhiên, sau một thời gian “làm mưa làm gió” trên thị trường xuất bản và các bộ phim chuyển thể từ loại truyện này cũng mang về hàng tỷ USD tại phòng vé, thì doanh thu bán truyện tranh siêu anh hùng nói chung và nhiều loại truyện khác không còn như trước nữa.

Tuy nhiên, theo trang CBR, truyện tranh phương Tây có thể có hướng phát triển mới nhờ “đối thủ” sống còn - manga.

Manga là truyện tranh đến từ Nhật Bản với một thế giới nhân vật riêng. Cho đến nay, rất nhiều tác phẩm manga nổi tiếng đã được chuyển thể thành anime. Trong vài năm qua, khi doanh số của truyện tranh phương Tây dần suy giảm thì doanh thu của manga lại trở nên vượt trội hơn.

Giờ đây, các nhà xuất bản truyện tranh ở Bắc Mỹ đang tìm cách bản địa hóa manga cùng các ấn phẩm khác. Và trong bối cảnh hiện nay, đây có thể là một chiến lược phù hợp để tăng lợi nhuận.

Marvel và DC nắm bắt xu hướng manga

Việc các nhà xuất bản truyện tranh phương Tây bản địa hóa manga không phải là mới. Marvel từng tiếp cận và đưa ra nhiều dòng truyện kinh điển như Akira vào những năm 1990. Tuy nhiên, thời điểm đó và bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt.

Vào những năm 1990, manga và anime rất phổ biến. Đó cũng là lúc những manga và anime như Akira được phát hành ở phương Tây, cùng nhiều cái tên như The Guyver và các tác phẩm phổ thông hơn như Dragon Ball Z, Sailor Moon, PokémonMobile Suit Gunma Wing. Những đầu truyện này đã mang lại cho anime một lượng người hâm mộ hùng hậu bên ngoài châu Á.

Nhưng hiện tại, sức hút của manga đã vượt xa thời điểm mới làm quen khi trước. Có nhiều đầu sách manga gần đây, như Jujutsu Kaisen nằm trong danh sách ăn khách của New York Times trong thời gian dài. Thậm chí nhiều truyện tranh chính thống của Marvel và DC cũng không đạt được mức độ thành công tương tự.

Giờ đây, một số nhà xuất bản và hãng phim đang tìm cách thu hút độc giả của cả anime và manga. Ví dụ, Skybound Entertainment (công ty đứng sau loạt phim siêu anh hùng Invincible và truyện tranh Transformers hiện tại) chuẩn bị sản xuất anime thông qua công ty con Skybound Japan.

Nhà xuất bản Alien Books cũng sẽ đưa manga vào danh sách ấn phẩm của mình. Các đầu sách họ dự kiến phát hành là: Fake Rebellion của Yuuchang Sasaki (2 tập, ra mắt tháng 3 năm 2024), Endroll Back của Kantetsu và Haruna Nakazato (3 tập, tháng 3 năm 2024), Momo: Legendary Warrior của Yuji Kobayashi, Z-ONE và Naoto Tsushima (3 tập, tháng 4 năm 2024), Kerberos in the Silver Rain của Lira Aikawa, Berry Star và Nao Itsuki (3 tập, tháng 4 năm 2024), Kinryo Rock của Bingo Morihashi và Manabu Akishige (3 tập và một phần tiền truyện, tháng 7 năm 2024).

Nhân vật trong Jujutsu Kaisen - manga ăn khách ở thị trường phương Tây thời gian qua. Ảnh: Shonen Jump.

Lợi thế hút khách của manga

Theo CBR, tại thị trường Mỹ, ngay cả những bộ manga mới xuất bản cũng bán chạy hơn những đầu truyện tranh phương Tây phổ biến. Manga cũng không cần sử dụng một số mánh lới như quảng cáo liên tục hay tái bản với bìa mới nhằm tăng doanh số.

Thậm chí, việc giá của nhiều tập truyện manga cao hơn giá các tập truyện phương Tây phát hành định kỳ mỗi tháng cũng không ngăn cản được khách hàng chi tiền cho loại truyện này. Hơn hết, manga mang lại một thế giới đa dạng hơn cho độc giả, vốn quá quen với truyện tranh siêu anh hùng thống trị thị trường truyện tranh Mỹ từ lâu.

Để so sánh, manga có lượng nhân vật đông đảo và nhiều cá tinh hơn, với cướp biển, ninja, kẻ giết quỷ, võ sĩ hay cả nghệ sĩ. Ví dụ, ngoài các bộ truyện dài kỳ như Dragon Ball, Naruto/Boruto, One Piece Hunter x Hunter đã quá nổi tiếng, manga còn rất nhiều đầu sách khác. Nội dung của các bộ truyện được bố cục cụ thể và các tập được đánh số rõ ràng. Độc giả có thể dễ dàng biết được nên bắt đầu câu chuyện từ đâu.

Và quan trọng nhất, yếu tố lớn nhất thúc đẩy doanh số bán manga là nó rất dễ mua, cả ở dạng bản in và điện tử. Các chuỗi cửa hàng sách lớn như Barnes & Noble và Books-A-Million có hàng loạt đầu sách manga.

Ngoài các hiệu sách chuyên dụng, các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target giờ đây còn bán truyện tranh. Ngay cả những cơ sở bán hàng giảm giá như Five Below cũng bán số lượng lớn các bộ manga lớn giúp người dùng dễ sưu tập như Attack on Titan hoặc The Seven Deadly Sins khi mua sắm ở đó. Tính sẵn có này tạo nên sự khác biệt to lớn, đặc biệt khi so sánh với truyện tranh phương Tây.

Các nhà xuất bản hưởng lợi từ sự bùng nổ manga hiện nay

Theo tình hình hiện nay, các nhà xuất bản như Alien Books có thể sẽ được hưởng lợi từ việc bản địa hóa các đầu sách manga.

Hiện nay, thể loại manga nói chung đã phổ biến ở phương Tây đến mức dường như bất kỳ đầu truyện nào cũng có thể có lãi. Điều này được thể hiện qua việc khu vực bán truyện manga ở các hiệu sách lớn ngày càng được mở rộng.

Nhiều bộ manga từng bị coi là quá mơ hồ hoặc khó hiểu giờ đây nằm rải rác trên các kệ sách từng được thống trị bởi Superman, Batman và Spider-Man. Đó là một sự thay đổi rõ ràng về tốc độ tiếp cận manga của thị trường, nhưng bằng cách bắt kịp các xu hướng nóng bỏng, các nhà xuất bản có thể đảm bảo nhiều doanh thu hơn.

DC Comics cũng đang cố gắng bắt kịp sự thành công của manga với dòng "truyện tranh nhỏ gọn" sắp ra mắt. Đây là những cuốn truyện có kích thước nhỏ hơn và giá tương đương với các tập manga trên thị trường. Nếu dự án kinh doanh hiện tại của Alien Books thành công, thì Marvel và DC có thể đầu tư mạnh hơn vào dòng manga bản địa hóa của họ.

Mảng doanh thu này có thể mang lại sự đa dạng hơn cho hoạt động kinh doanh truyện tranh chính thống của các công ty này. Manga có thể không mang lại ngay số lợi nhuận lớn, nhưng nó có thể giải quyết một số vấn đề hiện tại của ngành truyện tranh phương Tây, như thiếu sự đa dạng và mất đi sức hút với độc giả.

Quan trọng nhất, manga có thể thu hẹp khoảng cách giữa độc giả và thế giới truyện tranh, từ đó, mang lại lợi ích cho cả hai bên bằng cách giúp độc giả có thứ để đọc và giúp ngành xuất bản truyện tranh có thứ gì đó để xuất bản.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/manga-co-the-la-tuong-lai-cua-marvel-dc-post1448441.html