Jazz Việt hội nhập quốc tế

Lần đầu tiên, một festival nhạc Jazz quốc tế được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới. Jazz Việt, sau một hành trình dài đã bắt đầu khẳng định giá trị và hội nhập quốc tế.

1. Festival quốc tế nhạc Jazz diễn ra tại Nha Trang giới thiệu sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của nghệ thuật nhạc Jazz trên toàn thế giới và dòng chảy của nhạc Jazz tại Việt Nam. Đó là sự kết hợp mới mẻ giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, đa dạng về các thể loại từ Classic, Bossa Nova Jazz Funk, World Music...

5 đêm diễn miễn phí với các chủ đề khác nhau: “The spotlight of Jazz”, “The Latin night”, “Jazz Flows, Living the legend” và “The Collection” đã tạo nên một không gian âm nhạc mới mẻ, ở đó các nghệ sĩ Jazz Việt chơi bình đẳng với các nghệ sĩ quốc tế. Những gương mặt nổi trội có thể kể tới gồm huyền thoại nhạc Jazz người Mỹ Chico Freeman, nghệ sĩ Lisa Sung (Hàn Quốc), nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương (Việt Nam)...

Festival nhạc Jazz quốc tế lần đầu được tổ chức tại Nha Trang.

Festival nhạc Jazz quốc tế lần đầu được tổ chức tại Nha Trang.

Liên hoan là một dấu ấn đậm nét trong đời sống của Jazz Việt, vốn khá lặng lẽ và ít được biết đến so với các thể loại âm nhạc khác. Lần đầu tiên có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nhạc Jazz trong và ngoài nước tham gia, mang Jazz đến gần hơn với công chúng và giúp họ hiểu hơn về thứ âm nhạc bị mặc định là kén khán giả này. Nó cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thể loại âm nhạc này trong đời sống âm nhạc Việt Nam và tiệm cận với thế giới. Bởi, đây là cơ hội để các nghệ sĩ Jazz Việt Nam được tiếp xúc và làm việc với các nghệ sĩ Jazz đẳng cấp quốc tế. Từ đó, có những trải nghiệm mới, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo thành những kiến thức cần thiết để tiếp tục phát triển trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình trong tương lai.

Nhạc sĩ Hoàng Anh Minh - Giám đốc âm nhạc của Festival Jazz lần thứ nhất chia sẻ, sự kết hợp giữa hai tượng đài âm nhạc Chico Freeman và Trần Mạnh Tuấn phát triển trên ca khúc dân ca Việt cho thấy sự bình đẳng giữa nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ quốc tế trên sân chơi này. Các nghệ sĩ quốc tế yêu những giai điệu dân gian Việt Nam vì nó đẹp đẽ, cuốn hút. Việc chuyển soạn sang lời Anh khiến ca khúc phổ cập và tiếp cận với họ một cách dễ dàng hơn.

Nhạc sĩ Hoàng Anh Minh cũng bày tỏ niềm tin về sự lớn mạnh của Jazz Việt Nam nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung: "Tôi tin lứa nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở tầm thế giới sẽ quay trở về trong một vài năm tới, thúc đẩy nền âm nhạc của chúng ta phát triển. Công việc của tôi hiện tại chỉ là chuẩn bị một môi trường cởi mở và tốt hơn khi các bạn ấy trở về, cống hiến và sáng tạo”.

2. Trên thế giới, nhạc Jazz đã có hành trình 100 năm lan tỏa, hiện diện ở mọi nền văn hóa và phát triển thành nhiều sắc màu độc đáo. Ở Việt Nam, năm 2023, Khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, nhưng trước đó, từ những năm tháng Jazz còn xa lạ với công chúng, nghệ sĩ Quyền Văn Minh say mê và theo đuổi nhạc Jazz. Cùng với Khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia mà người dẫn đường là GS Lưu Quang Minh và những nỗ lực của nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Jazz Việt đã bắt đầu định hình và có tiếng nói trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

“Bình Minh Jazz” sau những năm tháng thăng trầm, chật vật, vẫn tồn tại ở góc quán nhỏ trên phố Hà Nội, minh chứng cho sự tồn tại của Jazz Việt trong đời sống. Ở đó, hằng đêm, các nghệ sĩ Việt và quốc tế chơi nhạc Jazz, không chỉ là những bản Jazz nổi tiếng thế giới mà còn là những sáng tác của nghệ sĩ trong nước. Jazz Việt với sự pha trộn của màu sắc dân gian, đang làm nên những giá trị thú vị, mới mẻ cho dòng nhạc đầy tính ngẫu hứng này.

Từ NSƯT, huyền thoại nhạc Jazz Quyền Văn Minh đến con trai tài năng của ông, Quyền Thiện Đắc đã mang Jazz Việt ra thế giới bằng những sáng tạo mới. Anh luôn ấp ủ khát vọng mang âm hưởng dân tộc Việt xuất hiện trên bản đồ nhạc Jazz thế giới. Dù nhận được nhiều lời mời làm việc tại châu Âu, Mỹ, nhưng anh đều từ chối và chuyên tâm với con đường nghệ thuật ở Việt Nam, với khát vọng được cống hiến cho âm nhạc nước nhà.

Trên hành trình đó, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc luôn nghiên cứu và tìm kiếm các khả năng kết hợp khác nhau của Jazz với âm nhạc dân gian hay nhạc cụ dân tộc, với mong muốn phát triển âm nhạc truyền thống trong những không gian âm nhạc mới lạ và đương thời hơn. Những hòa nhạc “Dân gian trên Jazz/ Dân gian trên Dây”, “Jazz Duyên” được tổ chức thời gian qua là những cột mốc đầu tiên trên hành trình thể nghiệm đó và hứa hẹn sẽ còn nhiều hơn nữa những dấu ấn còn ấp ủ trong thời gian sắp tới.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hiện nay, Jazz đã và đang có những bước phát triển đáng kể. Jazz Việt hiện có nhiều thế hệ đam mê, theo đuổi và mong muốn có nhiều sân chơi để thể hiện. Đặc biệt, phải kể đến tài năng, sáng tạo của các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ từng bước đưa Jazz Việt có bản sắc riêng. Điển hình là phong cách chơi điêu luyện, tài tình của PGS.TS Lưu Quang Minh, nghệ sĩ Quyền Văn Minh, nghệ sĩ Jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn trong những bản nhạc Jazz mang âm hưởng dân ca Việt Nam... Đây cũng chính là những gương mặt giảng viên, nghệ sĩ đang truyền cảm hứng và hội tụ các thế hệ tài năng đam mê Jazz Việt trên khắp mọi miền đất nước”.

Thời gian qua, nhiều đêm nhạc, trại hè được tổ chức, trong đó có nhạc Jazz để khán giả Việt Nam có thói quen nghe Jazz, đưa nhạc Jazz phát triển mạnh mẽ, sôi động hơn trong cộng đồng chơi nhạc, kết nối nghệ sĩ với khán giả và định hướng thẩm mỹ cho mọi người với loại hình độc đáo và hấp dẫn này. PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định: "Trước đây chúng tôi vẫn hay kể câu chuyện, trước người nước ngoài đến ta chơi Jazz, nghệ sĩ ta lo lắm, không dám đứng chung sân khấu với họ. Nhưng, nay thì không, nghệ sĩ Jazz Việt đã tự tin và chơi đồng đẳng với nghệ sĩ quốc tế. Như thế để thấy Việt Nam đã tiệm cận với nhạc Jazz quốc tế về chất lượng đào tạo, trình độ biểu diễn”.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

TS Stan BH Tan - Tangbau, trong cuốn sách “Chơi Jazz ở Việt Nam” cũng khẳng định: “Thế hệ nhạc Jazz Việt sau Quyền Văn Minh đã sẵn sàng đảm đương trọng trách phát triển Jazz Việt ở Việt Nam. Điều này được thể hiện thuyết phục nhất ở màn trình diễn đầy tình cảm của Quyền Thiện Đắc với sáng tác của riêng anh, “Một nét Huế", được đệm bởi tiếng đàn piano tinh tế của Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ nhiệm Khoa Jazz tại Nhạc viện”.

Còn GS Lưu Quang Minh - người đặt nền móng cho việc đào tạo nhạc Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ: “Việc đào tạo các nghệ sĩ nhạc Jazz đã có những bước phát triển và hoàn thiện dần, đi vào quỹ đạo đào tạo của nhạc Jazz thế giới. Ngoài ra, chúng ta có những hợp tác với các nước có truyền thống về Jazz như Thụy Điển, mời họ sang giảng dạy, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, liên tục làm những workshop với sinh viên từ những năm đầu tiên, đưa sinh viên sang nước ngoài học tập và trở về cống hiến. Phải tích cực hợp tác, chúng ta mới có cơ hội hội nhập.

Trong những năm gần đây, các nghệ sĩ Jazz Việt cũng tích cực học hỏi, trau dồi, nâng cao trình độ diễn tấu, kiến thức nói chung, họ có thể biểu diễn bình đẳng với các nghệ sĩ quốc tế. Đó là một dấu ấn đáng ghi nhận cho thấy Jazz Việt đang tiệm cận thế giới. Điều đáng ghi nhận hơn nữa là gần đây, trong nhạc Jazz, có nhiều nghệ sĩ Jazz Việt đã sử dụng chất liệu dân gian Việt Nam vào các tác phẩm Jazz, tạo nên gương mặt, diện mạo riêng cho Jazz Việt, được khán giả trong nước và quốc tế đón nhận, đánh giá cao”.

Có một thế hệ nghệ sĩ Jazz tài năng như San Trịnh, Lê Minh Hiếu, An Trần đang theo học tại Học viện Âm nhạc danh tiếng Berklee (Mỹ), sẽ trở về và tiếp tục đưa Jazz Việt đi ra thế giới.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/jazz-viet-hoi-nhap-quoc-te-i731429/