Mang ước mơ vượt đèo Cón

PTĐT - Đèo Cón với độ dốc cao, nằm vắt vẻo trên những vực sâu hun hút, ta-luy có nơi sâu đến hàng trăm mét; nhiều đoạn đường khúc khuỷu, lưu lượng xe cơ giới ...

Lớp ghép 4-5.

PTĐT - Đèo Cón với độ dốc cao, nằm vắt vẻo trên những vực sâu hun hút, ta-luy có nơi sâu đến hàng trăm mét; nhiều đoạn đường khúc khuỷu, lưu lượng xe cơ giới qua lại nhộn nhịp là cung đường nối liền xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn với tỉnh Sơn La. Giữa lưng chừng núi, lưng chừng đèo có điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 1, khu Ngả Hai với 64 học sinh và các thầy cô đang bất kể mưa nắng, ngày ngày miệt mài vượt đèo mang kiến thức nuôi dưỡng khát vọng vươn đến những chân trời mới cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Vượt nắng, thắng mưa
Ngả Hai cách xa trung tâm xã cả chục cây số, qua cung đường ngút ngàn màu xanh của núi rừng và vực sâu. Đến với khu Ngả Hai vào một ngày mưa đầu mùa hạ, mưa xối xả không ngớt, mây mù che khuất tầm nhìn, khiến chúng tôi phải xiết nhả ga liên tục, hiếm lắm mới có những đoạn đường có thể phóng tầm mắt để nhìn thấy mờ mờ những bản làng bình yên dưới chân đèo. Có đi vào ngày mưa mới thấu hiểu được nỗi vất vả mà hàng ngày thầy cô ở điểm trường khu Ngả Hai phải vượt qua.Đèo Cón vẫn được giới lái xe ví là con đường tử thần bởi nhiều vụ tai nạn xảy ra do những khúc cua che khuất tầm nhìn, nhưng không vì thế mà làm chùn bước chân những người thầy mang chữ đến với bản. Bao năm gắn bó với học sinh Ngả Hai, các thầy cô đã thuộc lòng từng khúc sông, con suối, nhớ từng nóc nhà, từng hoàn cảnh học sinh.

Thầy cô luôn quan tâm, chăm sóc học sinh.

Từ xa, trong màn mưa dội xuống mái hiên dãy lớp học, đón chúng tôi bằng ánh mắt hiền hậu, nụ cười tươi rói, đó là Hoàng Thị Tuyết Mai- 25 tuổi, cô giáo trẻ tuổi nhất trong số 4 thầy cô đứng lớp tại đây. Tôi thấy ở Mai sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề tha thiết. Tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, năm 2019 sau 1 năm dạy tại điểm trường trung tâm, Mai quyết định xin về dạy tại điểm trường khu Ngả Hai.Không giấu khỏi sự dụt dè, ngượng ngùng của cô gái đang ở tuổi xuân thì, Mai bảo: “Mặc dù biết ở đây cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn hơn, nhưng em vẫn muốn được gắn bó với học sinh nơi đây. Niềm vui mỗi ngày trên bục giảng là được thấy các em lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi và luôn biết nghe lời thầy cô, chỉ cần như thế thì mọi khó khăn vất vả cũng đâu nề hà”.Ở đây có 4 thầy cô đứng lớp thì có tới 3 thầy cô giáo thuộc thế hệ “9X” nhưng lại tình nguyện xin về điểm trường lẻ còn nhiều thiếu thốn, vất vả và khó khăn. Rời khỏi nhà lúc 5h30 sáng để đến trường cho kịp giờ lên lớp, trong hành trang của thầy Phùng Văn Sơn không chỉ là giáo án mà còn cả quần áo dự phòng những hôm mưa gió.Thầy Sơn chia sẻ: “Có những khi hai lớp áo mưa chẳng đủ ngăn nước lạnh ngấm vào da thịt. Thời tiết ở đây thất thường, có những hôm trên đỉnh đèo thì mưa, dưới chân đèo lại nắng. Những hôm mưa bão to, gió tạt ngang với tốc độ mạnh, phải dừng lại chờ hết luồng bão mới dám đi tiếp. Rồi những hôm sương mù dày đặc nhìn không rõ người, làm giảm tầm nhìn vì thế nếu không tập trung lái và quan sát thì rất dễ xảy ra tai nạn”.Tuổi trẻ có nhiều lý tưởng để phấn đấu, nhiều mục tiêu để đạt được và có nhiều lựa chọn cho tương lai nhưng có những lựa chọn mà nếu như lưỡng lự thì sẽ khó có cơ hội được sống và trải nghiệm, bởi thế những giáo viên trẻ đã không ngần ngại để góp sức mình.

Thầy cô cùng học sinh vui chơi sau giờ học.

Đất lạ- hóa tâm hồnỞ khu Ngả Hai, hình ảnh những thầy cô ngày ngày “vượt nắng, thắng mưa” đến lớp truyền dạy tri thức cho bao thế hệ học sinh đã làm ấm lòng những người dân bản địa. Nơi đây cũng đã chắp cánh cho tình yêu, hoài bão, khát vọng một thời tuổi trẻ sôi nổi của những “người lái đò tri thức”, để rồi có những người đã nên duyên vợ chồng, góp gạo thổi cơm chung trên chính mảnh đất này.Nay đã nghỉ hưu tại ngôi nhà ngay cạnh cổng trường, cô Hà Thị Quế lật giở ký ức nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với mái trường và bao thế hệ học sinh. Cách đây hơn 30 năm, cô giáo trẻ từ xã Tân Phú về dạy khi ngôi trường còn là những tranh, tre, nứa lá dựng tạm, với nhiều cái không: Không điện, không nước sạch sinh hoạt, không internet..., không ai nghĩ rằng cô sẽ gắn bó lâu dài, vậy nhưng qua thời gian, tuổi trẻ của cô đã tìm thấy hạnh phúc tại chính nơi đây, xây dựng gia đình, nguyện ở lại mảnh đất này để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.Khác với cô Quế, cô Trần Thị Lan- hiện là giáo viên đứng lớp ghép 4-5, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Thanh Sơn, năm 2015, cô tình nguyện xin chuyển từ điểm trường chính lên đây mang theo gia đình nhỏ cùng về Thu Cúc để sinh sống. Hơn 5 năm gắn bó, cô đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc vui buồn cùng bà con và học sinh ở đây. Những bất cập về ngôn ngữ giữa cô giáo người Kinh và các em học sinh người Mường không làm cô nhụt chí.Đưa mắt nhìn về phía làng xa - nơi có những nóc nhà nằm rải rác trên các triền đồi, cô Lan tâm sự: “Ở đây dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phụ huynh rất quan tâm đến chuyện học hành của con cái, 100% trẻ ở độ tuổi đi học được đến trường. Các em sống tình cảm và luôn biết bộc bạch với thầy cô những ước mơ nhỏ bé của riêng mình”.Gạt đi những vất vả, lo toan hàng ngày, các thầy cô vẫn miệt mài, hăng say bên những trang giáo án, tiếng đọc bài vang lên từ trong lớp học to, đều và rộn ràng như chính tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô và sự nỗ lực, ước mong về một tương lai tốt đẹp của chính các thế hệ học sinh nơi lưng chừng đèo Cón. Rồi đây, đèo Cón hằng ngày vẫn in dấu cuộc hành trình của các thầy cô đến với điểm trường để cùng các em viết tiếp ước mơ vượt qua những dãy núi cao vời vợi, qua cung đèo hun hút tầm nhìn.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202105/mang-uoc-mo-vuot-deo-con-176825