Mang tên lửa R-77, tiêm kích MiG-29 của Syria vẫn khó sống

Để sẵn sàng cho kịch bản xung đột trên không, Nga đã trang bị cho MiG-29 của Syria tên lửa R-77. Vậy quyết định này có mang lại nhiều lợi thế đối với Damascus?

Mang tên lửa R-77, tiêm kích MiG-29 của Syria vẫn khó sống

Bước chuẩn bị cần thiết

Theo trang Defense Talk, Nga quyết định trang bị tên lửa không đối không R-77 cho tiêm kích MiG-29 của Syria. Nhà sản xuất - Công ty Vympel cho biết, tên lửa R-77 vượt xa các tên lửa thế hệ cũ hơn R-24, R-27, các tên lửa nước ngoài như AIM-7F "Sparrow", "Skyflash", "Matra super" 530F, theo một số đặc điểm còn vượt trội hơn cả tên lửa AMRAAM AIM-120A của Mỹ.

Tên lửa R-77 có điều khiển tự dẫn tầm trung trang bị đa hệ thống dẫn đường. Tên lửa được sử dụng cho các mục tiêu: máy bay siêu cơ động, tên lửa hành trình, tên lửa "đất đối không" và "không đối không", máy bay ném bom chiến dịch chiến thuật, máy bay trực thăng.

Tiêm kích MiG-29 của Syria với tên lửa R-77

Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ bất kỳ hướng nào trên mọi góc nhìn, ngày và đêm, điều kiện thời tiết bất lợi trong môi trường bức xạ nhiệt và nhiễu điện từ cao, theo nguyên tắc "bắn và quên", sử dụng dẫn đạn đa kênh. Tên lửa R-77 có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km.

Dẫn đạn R-77 có chế độ kết hợp: dẫn đường quán tính bằng tín hiệu radio từ máy bay và chuyển đổi chế độ tự dẫn bằng radar đầu dẫn tên lửa với máy tính, trong đó xác định khoảng cách đánh chặn mục tiêu bằng đầu tự dẫn 9B1348E.

Trong trường hợp khóa mục tiêu của đầu tự dẫn thất bại, máy tính tự động chuyển đổi sang chế độ dẫn đường quán tính của máy bay, lập lại quỹ đạo đánh chặn mục tiêu hoặc hướng tên lửa đến mục tiêu khác.

Trong tình huống nhiễu nặng, đầu tự dẫn tên lửa thực hiện chế độ tự dẫn thụ động từ nguồn phát xung nhiễu điện từ trường và khóa mục tiêu bằng tín hiệu nhiễu và tấn công nguồn phát xung nhiễu điện từ - máy bay đối phương. Nếu không chiến diễn ra trên khoảng cách ngắn - cận chiến, tên lửa sẽ được bật chế độ tự dẫn và không sử dụng chế độ dẫn đường quán tính.

Trong điều kiện môi trường tác chiến nhiễu dày đặc, radar máy ngắm không thể cung cấp thông tin về tầm bắn và tốc độ tiếp cận mục tiêu, tên lửa được dẫn theo một quỹ đạo đặc biệt. Sau đó tên lửa tự dẫn bằng nguồn bức xạ điện từ từ máy bay đối phương. Tên lửa trang bị bộ phận kích nổ laser.

Đầu đạn của tên lửa là đầu đạn nổ phá mảnh thanh đặc trưng với các thành phần hiệu ứng nổ lõm nhỏ. Các mảnh đạn dạng thanh được sắp xếp liên kết với nhau để khi nổ sẽ tạo thành một đám mây mảnh thép cắt xé mục tiêu.

Các thành phần nổ lõm cấu thành đầu đạn nhằm tiêu diệt mục tiêu cần có độ chính xác cao trong chế độ phòng thủ tên lửa của máy bay chiến đấu. Ví dụ như đánh chặn tên lửa phòng không đối phương.

Tên lửa không đối không R-77 trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 22,5 kg với ngòi nổ laser cận tiếp xúc. Tên lửa có thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở khoảng cách 80 km. Hiện nay, R-77 đang là vũ khí tiêu chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5 T-50 của Nga.

Tiêm kích F-35 thử lửa với tên lửa AIM-120 AMRAAM

Lợi thế thuộc về Mỹ

Dù được đánh giá là tên lửa không đối không hàng đầu thế giới nhưng do thuộc dòng tên lửa tầm trung nên tầm bắn hiệu quả của R-77 chỉ là 80 km, và như vậy, R-77 khó có thể mang lại lợi thế cho MiG-29 của Syria trong trường hợp xảy ra xung đột trên không với chiến đấu cơ Mỹ trang bị tên lửa AIM-120 AMRAAM.

Thế mạnh lớn nhất của AIM-120 AMRAAM trước R-77 là hệ thống dẫn đường. Nó sử dụng đầu dẫn radar chủ động có khả năng tự phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ của máy bay mang phóng.

Nghĩa là, sau khi rời khỏi bệ phóng trên máy bay, AIM-120 sẽ tự chủ hoàn toàn trong việc tấn công, tiêu diệt mục tiêu. Còn máy bay mang phóng có thể chuyển hướng sang mục tiêu khác hoặc thoát ly. Một ưu điểm khác trên AIM-120 là có thể bắn các mục tiêu ngoài tầm nhìn trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày hoặc ban đêm.

AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7 kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1 kg với phiên bản C. Mặc dù đầu nổ của AIM-120 được cho là nhẹ hơn loại trên AIM-7, nhưng nó vẫn được đánh giá là hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải...

AIM-120 sở hữu khả năng cơ động và tốc độ cao nhờ được trang bị động cơ rocket WPU-6/B có thể đưa AIM-120 đạt tốc độ đáng kinh ngạc - Mach 4 (tương đương 4.900 km/h) cho phép nó tiêu diệt ngay cả những máy bay chiến đấu nhanh nhất của đối phương.

Về tầm bắn, phiên bản đời đầu A/B của dòng tên lửa AIM-120 chỉ đạt mức 55 - 75 km (khá hơn AIM-7 đạt tầm 50 km), tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105 km và đến AIM-120D thì tăng lên 160 km.

Sức mạnh của AIM-120 được coi là nhỉnh hơn hẳn về phạm vi tác chiến so với R-77 của Nga. Và chính điều này khó có thể mang lại lợi thể cho tiêm kích MiG-29 của Syria trong một kịch bản đối đầu với chiến đấu cơ Mỹ. Bởi ngay khi MiG-29 Syria chưa kịp phóng R-77 thì đạn AIM-120 từ máy bay Mỹ đã áp sát với tốc độ kinh hoàng.

theo Đất Việt

Nguồn Soha: http://soha.vn/mang-ten-lua-r-77-tiem-kich-mig-29-cua-syria-van-kho-song-20161019103803563.htm