Mầm mống căng thẳng âm ỉ tại Thái Bình Dương

Căng thẳng đang lặng lẽ gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương khi Trung Quốc tìm cách 'vươn ra biển lớn' trong lúc sự tập trung của thế giới hướng về Ukraine.

Cuối tháng 4, Bắc Kinh đưa tàu sân bay Liêu Ninh và 7 tàu hộ tống qua eo biển Miyako - cửa ngõ nối biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Nhóm tàu Trung Quốc tiến hành tập trận, bao gồm diễn tập cất cánh máy bay chiến đấu và thực hành chiến dịch đổ bộ, gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản.

Để đề phòng, Nhật Bản điều nhiều máy bay chiến đấu và tàu khu trục máy bay trực thăng (nhưng có thể vận hành như tàu sân bay) Izumo đến theo dõi cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ cũng điều 3 tàu hải quân tới khu vực Tây Thái Bình Dương, South China Morning Post dẫn các hình ảnh của trang web trực thuộc Hải quân Mỹ USNI News và Mizar Vision, công ty hình ảnh vệ tinh có trụ sở tại Thượng Hải.

Tính toán của Trung Quốc

Trên không, một máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ được phát hiện ở vùng biển ngoài khơi Philippines hôm 16/5 “có thể nhằm đến đội tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc”, theo SCSPI - một tổ chức nghiên cứu về Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh. Cũng theo SCSPI, một máy bay RC-135 khác bay trên biển Nhật Bản từ 29/4 tới 4/5.

Cùng thời điểm này, Trung Quốc đưa máy bay săn ngầm Y-8 trở lại hoạt động gần Đài Loan, theo Global Times, hai tháng sau khi một máy bay loại này bị mất tích.

Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo ông Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quân sự chủ chốt tại công ty phân tích quân sự Janes, khi các cường quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, các động thái gần đây gửi đi những thông điệp khác nhau.

“Trung Quốc đang mài giũa năng lực vận hành nhóm tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và đang tăng cường điều động các loại tàu chiến mới hơn, lớn hơn để hộ tống tàu sân bay”, ông Rahmat phân tích.

“Sự tham gia của các tàu chiến mặt nước tương đối mới trong nhiệm vụ là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc muốn truyền các bài học, quy trình và học thuyết vận hành mà họ thu thập được từ hoạt động của nhóm tàu sân bay đến các đơn vị mới hơn chưa từng tham gia các nhiệm vụ này”, vị chuyên gia bổ sung.

“Nhật Bản và Mỹ đang tăng cường triển khai các tàu chiến lớn tới cùng khu vực”, ông Rahmat nói. “Ở thời điểm này, việc điều động hướng đến tăng cường khả năng hoạt động liên hợp giữa khí tài quân sự hai nước”.

Mầm mống căng thẳng

Trong khi đó, ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về an ninh Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), coi đây là các hoạt động bình thường theo thông lệ.

“Các lực lượng hải quân trên khắp thế giới tồn tại để hoạt động ở biển, và để được điều động tới các khu vực quan trọng có thể xảy ra hoạt động quân sự. Họ theo dõi lẫn nhau”, ông Davis nhận định.

Tàu Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, con tàu được điều đến theo dõi tàu Liêu Ninh. Ảnh: Reuters.

“Việc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Nhật Bản chú ý. Do đó, họ điều động tàu Izumo”, vị chuyên gia nói. “Nhóm hoạt động tàu sân bay của Hải quân Mỹ được triển khai như các hoạt động bình thường, nhưng họ cũng theo dõi tàu Liêu Ninh”.

Dù vậy, căng thẳng vẫn có thể xảy ra trong những năm tiếp theo. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Chu Chấn Minh, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thâm nhập sâu vào Thái Bình Dương, khiến các cuộc đụng độ giữa các tàu hải quân lớn có xu hướng gia tăng.

Các hình ảnh vệ tinh cũng chỉ ra Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực đảm bảo lịch trình đóng tàu chiến của nước này diễn ra đúng kế hoạch.

Sau quãng thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa, hoạt động đã được nối lại ở nhiều xưởng đóng tàu của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc (CSSC), bao gồm xưởng đóng tàu Giang Nam tại Thượng Hải, nơi đang hoàn thiện con tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Theo hình ảnh vệ tinh, con tàu đã gần hoàn thành.

Một hình ảnh vệ tinh khác từ xưởng đóng tàu Hồ Lô Đảo tại Liêu Ninh cho thấy hai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp 094 và một tàu ngầm tấn công lớp 093, đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, đang được đóng mới. Trong khi đó, ít nhất 5 tàu khu trục lớp 052D đang được nâng cấp.

“Các tàu hải quân Trung Quốc được dự đoán đi xa hơn vào Thái Bình Dương khi họ đã có đủ kinh nghiệm qua các cuộc diễn tập gần bờ. Khi họ vượt qua ‘chuỗi đảo thứ nhất’ (kéo dài từ Nhật Bản qua Đài Loan, Philippines - PV), họ sẽ có thêm khả năng chạm mặt các tàu nước ngoài, đặc biệt là tàu chiến Mỹ”, ông Chu phân tích.

Việt Hà

Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mam-mong-cang-thang-am-i-tai-thai-binh-duong-post1319614.html