Mâm cúng Tết Nguyên tiêu có 'giao diện' bắt mắt, tinh tế được giới trẻ ưa chuộng

Không cần chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn, nhiều bạn trẻ lựa chọn cúng Tết Nguyên tiêu đơn giản nhưng vẫn tinh tế, đẹp mắt.

Mâm cúng được trang trí đẹp mắt, ưu tiên sự tinh tế, chỉn chu

Nắm bắt được xu hướng của các bạn trẻ hiện nay thích trang trí mâm cúng Tết Nguyên tiêu đơn giản nhưng vẫn ý nghĩa, tinh tế. Chị Nguyễn Thị Hà – chuyên bán các loại bánh handmake trên mạng xã hội chia sẻ. Khác với các năm trước làm theo đơn đặt hàng, năm nay, dựa theo nhu cầu của khách, cửa hàng đã làm sẵn nhiều loại bánh phục vụ nhu cầu cúng Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng).

"Thay vì các loại bánh truyền thống năm nay, chúng tôi làm đa dạng thêm các loại bánh như su sê, mochi, bánh thạch sữa hoa, xôi vò… với nhiều màu sắc bắt mắt và đa dạng mẫu mã phục vụ nhu cầu của khách" - chị Hà cho hay.

Nhờ thay đổi cách làm và “đánh” trúng tâm lý của khách nên năm nay số lượng các loại bánh của cửa hàng chị Hà bán ra cao hơn hẳn mọi năm. Trung bình các ngày rằm lễ chị có khoảng từ 40-60 đơn, tuy nhiên, trong 3 ngày trước Tết Nguyên tiêu chị đã nhận được khoảng 300 đơn. Giá trung bình cho mỗi đĩa bánh từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy số lượng khác nhau.

Không cần chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn, nhiều bạn trẻ lựa chọn cúng Tết Nguyên tiêu đơn giản nhưng vẫn tinh tế, đẹp mắt.

Chị Vân Anh (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thường mọi năm nhà mình vẫn làm mâm cúng mặn với đầy đủ các món. Nhưng qua tìm hiểu trên mạng, nhiều người cũng chọn cúng chay trong Tết Nguyên tiêu nên năm nay mình chọn mâm cúng chay chủ yếu hoa quả và các loại bánh

Cúng chay hay mặn không quan trọng, mình nghĩ chỉ cần thành tâm và ý nguyện của mình trong lễ cúng là được. Năm nay các mẫu bánh cũng đẹp và bắt mắt. Sự chỉn chu và tỉ mẩn trong mâm cúng Rằm đầu năm luôn được mình chú trọng” - chị Vân Anh nói.

Chị Ngọc Hà, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng chia sẻ, để tối giản chi phí cho mâm cúng năm nay, sợ bày biện ra cúng xong không ăn hết lãng phí, chị chọn cúng đơn giản hơn với vài món mặn và chính là các loại bánh trái. Vì không có thời gian chuẩn bị nên chị đã đặt mua trên mạng một số đồ để cúng như bánh trôi mochi, xôi, bánh thạch hoa sen rất đẹp mắt thay cho các loại chè trôi nước truyền thống.

"Việc cẩn thận trang trí mâm cúng Tết Nguyên tiêu thể hiện lòng thành và sự chu đáo trong cả một năm mới. Những đĩa bánh cúng được trang trí bắt mắt khiến mình rất hài lòng. Mình thường quan niệm đồ cúng và đồ ăn phải khác nhau, đồ cúng cần đẹp, vị ngon không phải là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, lễ cúng mình chọn phải ưu tiên những sản phẩm giá phải chăng, giao diện chỉn chu, bắt mắt" - chị Ngọc Hà cho biết.

Việc cẩn thận trang trí mâm cúng Nguyên Tiêu thể hiện lòng thành và sự chu đáo trong cả một năm mới.

Chị Lan Hương, một người cung cấp dịch vụ đồ cúng Tết Nguyên tiêu chia sẻ thêm, nhu cầu của người dùng hiện nay thích sự tiện lợi nhưng vẫn phải hướng về các ý nghĩa và giá trị truyền thống nên các sản phẩm cúng như xôi hoa sen, trôi nước mochi, bánh ít ngọt được ưa chuộng.

Đặc biệt, những món ăn trong dịp Tết Nguyên Tiêu thường mang hình ảnh hoa sen để cúng dâng Phật và gia tiên. Cũng theo chị Lan Hương, các sản phẩm xôi, chè, rau câu có thiết kế nhỏ xinh, thu hút bán đắt hàng.

Ý nghĩa của Tết Nguyên tiêu?

Theo quan niệm dân gian, ngày rằm đầu tiên của năm Âm lịch còn được gọi là Tết Nguyên tiêu. Đây là ngày lễ quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Bằng chứng là dân gian thường dùng câu "cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" hay “lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” để nói về ngày này.

Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Ngoài ra, tết Nguyên tiêu còn được gọi là tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (Tết cơm mới, lễ mừng lứa mới được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa vào rằm tháng Mười).

Theo các nhà văn hóa, tục đón Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.

Đối với mâm lễ cúng tiên phật, gia chủ sẽ thiết lập lễ chay gồm hương đăng trà bánh hoa quả chè xôi và các món ăn chay lạt đơn sơ.

Truyện kể rằng vào đời Hán, có một cung nữ buồn tủi vì không được về thăm cha mẹ vào ngày 15/1 Âm lịch, quá đau buồn nên có ý định lao xuống giếng tự tử. Cảm động trước lòng hiếu của cô gái, vị quan cận thần của hoàng đế nghĩ ra một kế giúp cô. Ông tâu vua rằng vào ngày 16/1 Âm lịch, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, trước đó một hôm, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường.

Theo lệnh của vua, vào rằm tháng Giêng, nhà nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết.

Truyền thuyết khác kể, con thiên nga mà Ngọc Hoàng rất yêu quý trong một lần bay xuống hạ giới chơi đã bị người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc hoàng sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 Âm lịch xuống hỏa thiêu toàn bộ hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần không đồng tình với quyết định này nên liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh.

Theo kế của họ, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà ở hạ giới đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc hoàng nhìn xuống sẽ tưởng rằng nhà cửa, làng mạc đang bị lửa thiêu. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.

Theo thời gian, mâm lễ vật cúng Tết Nguyên tiêu cũng có nhiều sự thay đổi.

Theo đó, ngày Rằm tháng Giêng hàng năm trở thành ngày lễ quan trọng và nhắc nhớ nhiều người thành tâm lễ lạt trong đầu năm mới. Người dân thường chuẩn bị các mâm cúng như, đối với mâm lễ cúng tiên phật, gia chủ sẽ thiết lập lễ chay gồm hương đăng trà bánh hoa quả chè xôi và các món ăn chay lạt đơn sơ.

Mâm lễ cúng thần thánh hoặc tổ tiên, ngoài hương đăng trà bánh hoa quả còn có chè xôi (thường gặp là chè sôi nước, bánh ú, bánh ít, xôi đậu) và mâm cơm canh thịt cá, thường thấy là thịt gà, vịt, heo, bò và tôm, cua, cá.

Mâm cúng Tết Nguyên Tiêu là thành quả lao động của gia chủ, thường là những sản vật do gia đình tự nuôi trồng lấy. Do đó, nó gửi gắm sự thành kính, tận tâm của gia chủ đối với các đấng thần thánh tiên phật và tổ tiên ông bà.

Trong các mâm cúng, đôi đèn tượng trưng cho âm dương nhật nguyệt, ba nén hương tượng trưng cho tam tài (thiên - địa - nhân) và có chức năng kết nối con người với thần linh, chè trôi nước tượng trưng cho ước mong tròn đầy viên mãn, xôi đậu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và thành tựu như ý.

Theo thời gian, mâm lễ vật cúng Tết Nguyên tiêu cũng có nhiều sự thay đổi. Đây là chuyện thường thấy trong quá trình diễn biến của các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mam-cung-tet-nguyen-tieu-co-giao-dien-bat-mat-tinh-te-duoc-gioi-tre-ua-chuong-305121.html