Mai một đạo làm con

PN - Chia sẻ trên trang Facebook của mình, Bộ trưởng Phát triển gia đình và xã hội Singapore Chan Chun Sing viết về một trường hợp khiến ông bức xúc: “Cậu ta bảo bố mẹ mình hãy ra khỏi nhà và tìm cách liên hệ với một thành viên Quốc hội để được hỗ trợ thuê chỗ ở. Cảm giác thật buồn và sốc khi tôi chứng kiến một người con đã trưởng thành không đoái hoài đến việc chăm sóc người đã sinh ra mình. Anh ta đẩy nghĩa vụ này cho xã hội và xem đó là chuyện hiển nhiên”.

Đây là trường hợp một gia đình gồm ba thế hệ đang chung sống. Người con sau khi tìm được nơi ở mới cho vợ và ba con mình, đã lập tức đề nghị bố mẹ ra ngoài sống. Tình trạng người già ở Singapore ra ngoài sống một mình, cô đơn trong những góc phòng lặng lẽ đã trở thành hình ảnh khá phổ biến trong xã hội. Đa số khi được hỏi đều nói, họ muốn có không gian yên tĩnh, muốn có cuộc sống riêng tư, nhưng thực chất là con cái không muốn sống với họ nữa.

Ông Chew Sing Huat (72 tuổi) kể: “Con gái và con rể của tôi rất bận. Chúng còn có hai con nhỏ nên tôi không muốn chúng phải lo toan quá nhiều về mình. Tôi không muốn mình thành người thừa thãi trong nhà nên đã chủ động ra riêng. Tôi sống trong phòng thuê 20m2 và thấy như vậy là đủ”. Một cặp vợ chồng đã qua tuổi nghỉ hưu cho biết: “Khi còn trẻ, vợ chồng tôi đã rất vất vả để kiếm tiền nuôi năm đứa con. Tôi phải làm hai công việc mới đủ chi tiêu. Ban ngày tôi là nhân viên giao hàng, buổi tối lái taxi. Giờ các con đã lớn và kiếm được tiền nhưng chúng cũng phải nuôi con. Vợ chồng tôi không thể tăng thêm gánh nặng cho con cái”. Cô Iris Lin, nhân viên xã hội của Dịch vụ cộng đồng Fei Yue nói: “Với một số gia đình, con cái không thể ở bên bố mẹ. Điều họ có thể làm là đưa tiền và thuê người giúp việc chăm sóc bố mẹ. Đa phần bố mẹ thông cảm và hiểu con cái cũng đang chịu áp lực từ công việc, phải kiếm tiền nên không thể dành thời gian cho mình”.

Một ông bố phải dọn ra ở riêng, sống trong một căn phòng chật hẹp, không có ai chăm sóc lúc tuổi già - Ảnh: My Paper

Dù các bậc phụ huynh cao niên kể trên đều tỏ vẻ thấu hiểu, không hề chê trách con cái đã… bỏ quên mình, nhưng hiện tượng này vẫn đáng báo động. Cô Tin Pei Ling (30 tuổi), nghị sĩ trẻ tuổi nhất của đảng Hành động nhân dân (PAP) cho rằng, việc khước từ bổn phận chăm sóc cha mẹ là điều không thể chấp nhận, bất chấp cuộc sống áp lực đến đâu. Cô Tin Pei Ling nói: “Những người trẻ lấy lý do công việc quá bận rộn, không đủ nguồn tài chính hay nhà của họ quá chật hẹp, không thể ở cùng bố mẹ. Đó là những lý do hoàn toàn không thuyết phục”. Một nghị sĩ khác của Quốc hội Singapore, ông Lim Biow Chuan lo lắng: “Xã hội châu Á vốn coi trọng việc gắn kết gia đình, đạo hiếu. Cuộc sống hối hả đang đẩy người ta xa dần những giá trị truyền thống cốt lõi và quan trọng”.

Ở Singapore, cũng có những bậc phụ huynh về hưu, điều kiện kinh tế rất ổn định. Họ dễ dàng sống độc lập không cần con cháu chăm sóc. Bản thân họ muốn có không gian riêng tư. Nhưng, con số này không nhiều. Từ năm nay, khoảng 450.000 người bước vào tuổi 65 và là công dân Singapore kể từ năm 1987 về trước sẽ được nhận trợ cấp y tế trọn đời. Đây là hình thức chính phủ Singapore áp dụng để chia sẻ với thế hệ công dân đầu tiên của mình. Thế nhưng, nó lại trở thành lý do để những người con không thể (hoặc e ngại) chăm sóc bố mẹ dựa vào để chủ động thuê chỗ ở riêng cho các đấng sinh thành.

Năm 2013, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) bắt đầu tiến hành cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm về chứng trầm cảm và mất trí để tìm hiểu xem liệu nó có liên quan gì đến việc sống cô độc ở người già hay không. Theo NUS, hiện tỷ lệ người cao tuổi tự tử tại Singapore là tương đối cao.

THIÊN NHƯ (Theo My Paper, AsiaOne)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/the-gioi-quanh-ta/mai-mot-dao-lam-con/a123231.html