Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh 'Mai' do Trấn Thành làm đạo diễn và 'Đào, phở và Piano' là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Để xem phim “Mai”, đa số khán giả phải đặt vé trước

Nếu “Mai” của Trấn Thành ra rạp từ mùng 1 Tết và vẫn còn “hot” đến bây giờ với hàng chục suất chiếu mỗi ngày ở các rạp trên cả nước, doanh thu được công bố trên trang chủ Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi thị trường phim rạp nội địa, doanh thu của “Mai” hiện vượt 476 tỷ đồng, đứng top 1 doanh thu phim chiếu rạp Việt Nam.

Trong khi đó, “Đào, phở và Piano” trong ngày đầu ra mắt ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng đã thu hút một lượng lớn khán giả. Đến độ sau đó không lâu, trang web đặt vé trực tuyến của trung tâm này quá tải, nhiều ngày không truy cập được nên khán giả phải xếp hàng dài để mua vé.

Ngoài tăng suất chiếu, “Đào, phở và Piano” cũng được phát hành, chiếu ở một số rạp trên toàn quốc, trong đó có Cinestar Huế từ 26/2.

Cũng như giới trẻ cả nước, giới trẻ Huế và cả không còn trẻ nữa cũng háo hức với hai phim hot trong đợt Tết vừa rồi, nhất là phim “Mai”. Hôm mùng 5 Tết, tôi cùng vài người bạn đến Cinestar để xem phim "Mai". Vừa tới cổng đã được bảo vệ hướng dẫn gửi xe ở khu đất đối diện. Một vị trí khá rộng nhưng lượng xe gần như đủ chỗ. Thế nhưng sức nóng của phim chỉ thật sự bắt đầu khi chúng tôi xếp hàng dài từ cổng để đợi mua vé. Song đến lượt thì được nhân viên thông báo hết vé. Các suất chiếu tiếp theo cũng kín chỗ, chỉ còn 1 suất duy nhất còn 3 chỗ ngồi diễn ra lúc gần 11 giờ đêm. Nếu coi suất này có khi 2 h sáng chúng tôi mới về đến nhà.

Rút kinh nghiệm, lần sau chúng tôi đặt vé trước hai ngày nhưng vẫn không chọn được chỗ vừa ý. Thôi đành vậy để xem kẻo lạc hậu. Chúng tôi cũng từng đi xem nhiều bộ phim hot, song chưa bao giờ phải trở về vì không mua được vé và phải đặt qua mạng trước hai ngày như lần này.

Phòng chiếu thoáng rộng, gần như không còn ghế trống. Quan sát có thể thấy, đa số là khán giả trẻ, là học sinh cấp 3, thậm chí là cấp 2 nhưng vì có ngoại hình khá cao to nên dễ nhầm với người lớn, trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

Phim “Mai” có hạn chế độ tuổi khán giả từ 18 trở lên, thế nhưng hai lần đi xem các suất chiếu, chúng tôi quan sát thấy khán giả dưới 18 tuổi khá nhiều nhưng không ai kiểm tra. Nhân viên bán vé chỉ kiểm tra mã đặt vé và nhắc nhở về độ tuổi, nhân viên kiểm soát vé chỉ "áng" ngoại hình. Như đã nêu, có nhiều em chưa đủ độ tuổi nhưng có ngoại hình cao to, dễ nhầm lẫn với người trưởng thành. Đây chính là lỗ hổng mà nhà làm phim, các đơn vị cung ứng dịch vụ chiếu phim chưa quản lý chặt chẽ dẫn đến đối tượng xem chưa đúng.

Cách quản lý khá đơn giản, như ở nhiều quốc gia đã làm, khi mua vé phải xuất trình căn cước công dân, nếu chưa đủ tuổi thì không bán vé. Đằng này, sự thiếu chặt chẽ của các đơn vị liên quan có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý giới trẻ, nhất là các em học sinh. Bởi “Mai” có nhiều cảnh nóng, không phù hợp với trẻ chưa thành niên, độ tuổi chưa có sự chín chắn, trưởng thành về nhận thức, hành vi, hành động, dễ bắt chước người lớn. Lúc đó hậu quả sẽ khó lường.

Có ý kiến cho rằng, đó cũng có thể là cách nhà làm phim, các rạp tăng doanh thu nhưng dù sao đó cũng là cách tăng doanh thu không nên khuyến khích, thậm chí là vi phạm pháp luật. Do vậy, cần thiết phải quản lý chặt đối tượng xem phim ngay từ đầu, không chỉ với “Mai” mà còn nhiều phim khác.

Bài, ảnh: H.T

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/mai-dao-va-cach-quan-ly-khan-gia-chua-du-tuoi-den-rap-138367.html