Mãi biết ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ

Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.

Bởi vậy, trong 70 năm qua (27/7/1947-27/7/2017), hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống, đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thắp hương tại Điểm cao 468, nơi nưởng niệm chiến sĩ Sư đoàn 356 hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (thôn Nậm Ngặt, Thanh Thủy, Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984) ngày 26/6/2016.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ bằng việc làm thiết thực

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, tương tật và tiền tuất sử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, lấy ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước, thể hiện truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong 70 năm qua, công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống, đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2002, cả nước đã xác nhận được trên 6 triệu người, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công (trong đó, liệt sĩ gần 1,2 triệu người (năm 2002 là khoảng 1,1 triệu người), Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 127.000 người (năm 2002 khoảng 42.500 bà mẹ), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động gần 1.300 người (năm 2002 là gần 1.200 người), Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh gần 800.000 người (năm 2002 là gần 400.000 người), người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gần 321.000 người (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đối tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người), người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy gần 111.000 người (năm 2002 khoảng 53.400 người)…

Không chỉ vậy, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người việt Nam có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài cũng đã được quan tâm, xem xét giải quyết, chỉ còn một bộ phận nhỏ người có công còn chưa được xác nhận do thiếu căn cứ, giấy tờ gốc để xác nhận, các cơ quan có liên quan đang nỗ lực triển khai các giả pháp giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng từ trung ương đến địa phương, đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái” của dân tộc ta bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua việc xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phong trào đăng ký và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi…”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: “Trong 10 năm trở lại đây (từ năm 2007-2016), tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng (trong đó, kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng). Năm 2006, ngân sách trung ương để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công là 7200 tỷ, năm 2016 là 31.038 tỷ đồng. Ngân sách địa phương hàng năm dành cho công tác người có công với cách mạng bình quân khoảng 2000 tỷ/năm.

Đặc biệt, Quỹ đền ơn đáp nghĩa trung ương đã vận động được trên 41,36 tỷ đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 4.124 tỷ đồng, Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước với 133.321 sổ với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng, Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng, Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ. Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, trong đó có 7.344 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng…”.

Song song với hoạt động uống nước nhớ nguồn, công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, việc tu bổ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ được các cấp, các ngành quan tâm. Từ năm 2005 đến nay đã tìm kiếm, quy tập được trên 70.500 hài cốt liệt sĩ (trong đó ở Lào là 16.613 hài cốt liệt sĩ, ở Campuchia là 15.148 hài cốt liệt sĩ, trong nước là 38.778 hài cốt liệt sĩ).

Thông qua phương pháp thực chứng và giám định AND đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, cuối tháng 6/2017 vừa qua, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng công nhận 498 liệt sỹ và sẽ tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sỹ vào chiều 18/7. Hiện nay còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đang an táng tại nghĩa trang liệt sỹ chưa đủ thông tin, chưa được trở về đất mẹ hoặc đang còn nằm ở đây đó. Đây là điều day dứt của Đảng và Nhà nước. Chính điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.

Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Theo Tư lệnh ngành TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai ứng dụng CNTT để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngay từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để bàn bạc, thống nhất các giải pháp, phương án triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Khi được giao nhiệm vụ, Bộ TT&TT đã giao cho Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số (CNPM&NDS) thuộc Bộ TT&TT làm đầu mối phối hợp cùng với Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH), Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) khảo sát thực trạng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) để có kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Qua khảo sát cho thấy các CSDL ở mỗi Bộ nêu trên thường xuyên biến động, có bảo mật riêng và có sự trùng lặp, do vậy Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ban ngành có liên quan để triển khai việc ứng dụng CNTT vào việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Dựa trên kết quả khảo sát, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viện CNPM&NDS thống nhất với Cục Chính sách của Bộ Quốc phòng và Cục Người có công thuộc Bộ LĐTB&XH triển khai từ 17/02/2017 đến 30/5/2017 và đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan. Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã sử dụng siêu máy tính để chuẩn hóa các CSDL về quân nhân hy sinh, về thân nhân các liệt sỹ đã hy sinh từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) để lập dữ liệu đối chiếu xem có bị trùng lặp hay không và lọc dữ liệu chuẩn từ đó giúp rút ngắn đáng kể công tác xử lý chuẩn hóa dữ liệu của Cục chính sách, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Đến nay, Viện CNPM&NDS (Bộ TT&TT) đã xây dựng xong phần mềm tích hợp tìm kiếm thông tin về liệt sĩ từ các CSDL từ Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH (dự kiến sẽ bàn giao Cơ sở dữ liệu này cho các Bộ liên quan trong tháng 7/2017). Theo vị Tư lệnh ngành TT&TT đánh giá thì đây là CSDL đầy đủ nhất từ trước tới nay, giúp cho việc tìm kiếm nhanh chóng hơn, độ bao phủ rộng hơn và tính xác thực cao hơn.

Đến nay, Bộ TT&TT đã giao cho Cục Thông tin cơ sở phối hợp với Viện CNPM&NDS, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội… để thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội lớn để thu hút nhiều thành phần tham gia tìm kiếm các thông tin về liệt sĩ. “Trước việc nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TTđã thống nhất đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới. Việc triển khai ứng dụng CNTT để thúc đẩy tìm kiếm, xác định danh tính và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ có ý nghĩa rất lớn khi vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa xác định được rõ danh tính” – Vị tư lệnh ngành TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định.

Ngô Xuân Lộc

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/mai-biet-on-va-tri-an-cac-anh-hung-liet-si-p52077.html