Mắc ca và 3 câu hỏi từ Tây Nguyên: Chặt bỏ hay ghép lại với cây 'điếc'?

Trước câu hỏi của một số nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk về giải pháp cải tạo vườn cây thực sinh, hoặc cây ghép dởm đã trót trồng lên 4-5 năm mà không ra quả, chặt đi thì tiếc, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký các Hội sinh học Việt Nam nêu ý kiến: Đã trồng mắc ca thì phải chọn giống ghép, cả thế giới đều làm như thế, chứ không riêng gì ta.

Nếu dùng giống thực sinh, thì bị phân ly tính trạng, có thể cây con giống “bố” hoặc giống “mẹ”, chậm ra trái và có thể có nhiều hoặc ít quả. Nhưng khi ghép gốc thực sinh với chồi cây mắc ca đầu dòng đạt chất lượng, thì cây mới sẽ mang được sức sống mạnh mẽ của cây thực sinh và toàn bộ tính trạng tốt của chồi ghép. Nếu bà con tiếc cây thực sinh đã trồng, muốn tận dụng bộ rễ rất khỏe của chúng, có thể dùng chúng làm gốc ghép và ghép các mắt ghép tốt vào, để hình thành cây mới.

Nông dân Lâm Hà chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca tại hội trường xã Tân Hà. Ảnh: H.S

Cũng theo ông Lân Hùng, Hiệp hội Mắc ca đang cân nhắc việc cử cán bộ kỹ thuật đến tập huấn giúp bà con nắm kỹ thuật ghép để có thêm giải pháp cải tạo lại vườn cây.

Tuy nhiên, kỹ thuật ghép mắc ca phức tạp hơn nhiều so với ghép cam hay bưởi. Với điều kiện người nông dân thông thường, khó mà làm hành công ngay. Cho dù nhà nông đã có nắm vững kỹ thuật ghép, điều kiện tiếp theo là cần có vườn cây đầu dòng đạt chất lượng để lấy chồi ghép. Với cây thực sinh 4-5 tuổi, mỗi cây có thể phải cần 5-10 chồi ghép. Nếu trong vườn bà con đã có hàng trăm cây thực sinh, thì việc kiếm đủ số lượng mắt ghép cũng là vấn đề không nhỏ, khi các vườn mắc ca đầu dòng hiện nay đang ưu tiên mắt ghép cho cây con (mỗi cây chỉ cần 1 mắt ghép).

“Theo tôi, bà con nên cân nhắc mục tiêu lâu dài, có điều kiện thì nên đầu tư trồng cây mới, vì cây mắc ca có thể khai thác quả tới hơn 60 năm” – GS Hoàng Hòe khuyến cáo.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/mac-ca-va-3-cau-hoi-tu-tay-nguyen-chat-bo-hay-ghep-lai-voi-cay-diec-712640.html